Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí lúc 6h ngày 14/1 ở ngưỡng đỏ (mức độ xấu) ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Như tại điểm đó Chi cục Bảo vệ môi trường, chỉ số AQI ở mức 156, Tây Mỗ AQI là 159 Thành Công, AQI là 169 Hoàn Kiếm AQI là 168, Hàng Đậu AQI là 181, Thanh TRì AQI 169,… Đều ở ngưỡng gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong khi đó, gần 8h sáng 14/1, Airvisual - Ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí đã xếp Hà Nội vào top 5 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới với chỉ số AQI là 188 (mức độ xấu), cao nhất là thành phố Delhi của Ấn Độ với chỉ số AQI lên tới 319.

Chỉ số AQI tại nhiều điểm ở Hà Nội ở mức đỏ (xấu), ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chỉ số AQI tại nhiều điểm ở Hà Nội ở mức đỏ (xấu), ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tác động của thời tiết vẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí xấu đi. Có thể thấy, những ngày gần đây, chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém, không có chỉ số tốt. Với điều kiện thời tiết ban ngày trời nắng, hanh khô, ban đêm nhiệt độ giảm sâu, ít mưa.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các chất ô nhiễm không được khuếch tán trong không khí, khiến không khí bị ô nhiễm nặng hơn. Ngoài ra, khi vào giờ cao điểm, lượng phát thải tăng do lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao khiến chỉ số AQI tiếp tục duy trì mức kém, như ngày hôm nay (14/1) ở mức xấu, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, với chất lượng không khí như hôm nay những người nhạy cảm gặp vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng. Vì vậy, trước những diễn biến thất thường người dân vẫn cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo và thường xuyên theo dõi chất lượng không khí tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của Thành phố: moitruongthudo.vn.

Ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, TP.Hà Nội đã xác định được 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Bước đầu, thành phố đã hạn chế được một số nguồn phát thải ô nhiễm như: Giảm được 85% số lượng bếp than tổ ong; hạn chế 75% số lượng rơm rạ, phụ phẩm cây trồng đốt trên đồng ruộng; tăng cường quét, hút bụi, tưới nước rửa đường trên các tuyến phố; ra quân xử lý xe ô tô chở vật liệu, rác thải gây ô nhiễm môi trường...

“TP.Hà Nội đang nghiên cứu phương án thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường không khí”, ông Mai Trọng Thái cho biết thêm.

Theo Công luận

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-lai-lot-top-5-thanh-pho-o-nhiem-khong-khi-nhat-the-gioi-52469.html