Những ngày vừa qua, tại Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở nhiều khu vực đã ở mức kém và mức xấu.
Không chỉ Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí cũng xuất hiện ở TP.HCM. Những khu vực có nhiều công trình xây dựng và giao thông đông đúc thì chất lượng không khí lại càng kém.
Theo phần mềm đo lường chất lượng PAM Air, nhiều khu vực tại TP.HCM có chất lượng không khí đạt ngưỡng cảnh báo màu cam và màu đỏ - mức chất lượng không khí rất xấu.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, tại TP.HCM, số liệu quan trắc môi trường các năm đều cho thấy ô nhiễm không khí vượt mức nguy hại do các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí gây ra.
Nguyên nhân chính được xác định do hoạt động giao thông và thi công công trình. Trong lúc chờ đợi những cảnh báo chính thức từ các cơ quan chức năng, người dân nên chủ động các biện pháp như đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Các chuyên gia khuyến cáo khả năng ô nhiễm có thể gia tăng trong thời gian tới bởi thời điểm này, ở TP.HCM mới là giai đoạn đầu mùa khô.
Còn ở Hà Nội, tới đây, thời tiết sương mù lặng gió sẽ khiến bụi bẩn bị kìm giữ lại trong không khí, không thoát lên được.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn bụi mịn phát tán lên cao, khiến không khí bị ô nhiễm từ 0h đến 9h sáng hằng ngày, đỉnh điểm vào lúc 6h-7h.
Vì vậy, mọi người cũng nên hạn chế các hoạt động ngoài trời và sử dụng khẩu trang chống bụi và vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Đặc biệt, người mắc bệnh về hô hấp, viêm phế quản mạn tính, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn.
Đồng thời để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan Nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.