Sáng 30/9, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, Hà Nội tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 213 vào lúc 9h sáng. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người.

Hà Nội tiếp tục "dẫn đầu" trong số những thành phố ô nhiễm không khí.

Trang thông tin quan trắc môi trường Hà Nội lúc 6h sáng 30/9 cho chỉ số AQI là 141 - thấp hơn mức đo của AirVisual. Riêng tại điểm đo Láng Hạ, quận Đống Đa, con số này là 175.

Chỉ số AQI của Hà Nội 9h sáng 30/9 là 213. Chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 là 162,8.

Chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 của cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội là 105.25, còn chỉ số bụi mịn PM10 lúc 8h là 183.54. Các số liệu này vượt xa mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Chia sẻ về những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và bụi mịn tới sức khỏe con người, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những ngày gần đây, ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Theo TS Giáp, thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì con người không cảm nhận được rõ ràng.

Trong khi đó, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều.

Ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.

Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

"Chúng tôi khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng" - TS Giáp cho hay.

Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bệnh nhân vẫn khó thở - không thể tự kiểm soát được thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Theo Gia đình & Xã hội