Lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019, Hà Nội tiếp tục duy trì thứ hạng cao. Cụ thể, chỉ số PAR Index năm 2019 của Hà Nội đạt 84,64% và đây là năm thứ 3 liên tiếp, thành phố duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Trong khi đó, chỉ số PCI 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018). Đó cũng là năm thứ hai liên tiếp thành phố duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012 đến nay, chỉ số PCI của Hà Nội liên tục tăng hạng và tăng điểm. Trong 8/10 chỉ số tăng hạng so với năm 2018, Hà Nội có 3 chỉ số thành phần nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đáng lưu ý, chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” xếp thứ 4/63.
Nhờ những cải cách mang tính đột phá, với tinh thần lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ, từ năm 2016 đến đầu tháng 5-2020, thành phố có hơn 107.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng (hiện trên địa bàn thành phố có hơn 290.000 doanh nghiệp đang hoạt động). Lần đầu tiên sau hơn 30 năm đổi mới, trong 2 năm liên tiếp 2018-2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đạt hơn 23,7 tỷ USD, gấp 3,97 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Đáng chú ý, tháng 5-2020, kinh tế Thủ đô đã có những tín hiệu phục hồi. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 12,3% so với tháng 4, tính chung 5 tháng tăng 12,6%; thương mại vẫn giữ được nhịp độ và có xu hướng phục hồi mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 của thành phố đạt khoảng 1,12 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng 4.
Không chỉ được thể hiện qua thứ hạng hay những chỉ số thành phần, nỗ lực của thành phố Hà Nội còn được thể hiện qua sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt và sát sao của lãnh đạo thành phố. Điển hình, giữa tháng 4 vừa qua, trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19.
Từ tinh thần đó, các cấp, ngành thành phố đã vào cuộc quyết liệt và hiệu quả. Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành Công Thương thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình kích cầu thị trường nội địa, như: “Hội nghị kết nối cung cầu, trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng Việt”, “Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2020”… Đặc biệt, chương trình khuyến mại tập trung của thành phố được tổ chức trong các tháng 6, 7 và 11, thay vì chỉ diễn ra một lần vào tháng 11 như mọi năm, được coi là sáng kiến giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Hà Nội cũng cam kết đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Gần 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020 là nguồn vốn "mồi" có tác động lan tỏa, kích thích đầu tư tư nhân và các nguồn lực xã hội. Thông qua đó, thành phố kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia các dự án đầu tư bằng nguồn vốn này.
Nhập cuộc với quyết tâm mạnh mẽ
Trước thềm hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay tăng trưởng gấp 1,3 lần mức tăng của cả nước. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, việc cộng đồng doanh nghiệp chung tay với thành phố có ý nghĩa rất quan trọng.
Đề cập những nội dung của hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, hội nghị được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm của thành phố trong triển khai chỉ đạo của trung ương về thực hiện "nhiệm vụ kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; là thông điệp về Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Qua hội nghị lần này, thành phố thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp căn cơ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để chủ động đón các nhà đầu tư lớn, trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội chọn 3 khâu đột phá là cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội lấy việc xây dựng thành phố thông minh làm nội dung trọng tâm để thu hút đầu tư, tạo cú hích cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của thành phố trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thành phố xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng, bao gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, khu đô thị thông minh; lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo; lĩnh vực, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, logistics. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản - Hàn Quốc), các tập đoàn lớn để giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của thành phố Hà Nội.
Cùng với chủ trương đề ra, thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tăng cường phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng và các nội dung liên quan, cụ thể hóa quyết tâm đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn.