Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội về phương án kết nối, mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ đối với các tuyến buýt CNG04, CNG07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) do Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ xây dựng Bảo Yến đảm trách.

Cụ thể, văn bản nêu rõ việc mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), huyện Hoài Đức và Quốc Oai; nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người lao động; thu hút thêm hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo phương án đề xuất, đối với tuyến buýt CNG 04 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến đi qua khu vực đường liên xã Kim Nỗ (đường 18) - đường bê tông Thăng Long tiếp cận đến trung tâm xã Kim Nỗ và điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ của tuyến CNG 04 từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 106 lượt xe/ngày (tăng 20 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.

Đối với tuyến buýt CNG 07 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức, điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt, với 96 lượt xe/ngày (tăng 12 lượt xe/ngày).

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hai tuyến buýt CNG04 và CNG07 bắt đầu đi vào hoạt động từ quý IV/2019 theo hình thức đặt hàng. Hai tuyến buýt này cơ bản hoạt động ổn định theo đúng các chỉ tiêu khai thác đã được phê duyệt, được nhân dân các địa phương nơi tuyến buýt đi qua tin tưởng, tham gia sử dụng dịch vụ. Phương án mở rộng vùng phục vụ của tuyến buýt CNG04 qua trung tâm xã Kim Nỗ và tăng tần suất dịch vụ đối với tuyến buýt CNG07 cơ bản phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.

"Việc tăng tần suất dịch vụ hoạt động trên các tuyến buýt này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải trong khung giờ cao điểm, giảm thời gian chuyến đi của hành khách (dự kiến từ 20 - 25 phút). Cùng đó, việc điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và học sinh được sử dụng dịch vụ xe buýt, giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, tăng sản lượng hành khách, tăng doanh thu và hiệu quả hoạt động của tuyến buýt", ông Viện chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020, song hai tuyến buýt CNG04, CNG07 vẫn đảm bảo vận chuyển hành khách ổn định, an toàn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách, góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG). Tuy nhiên, tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), hiện có hai tuyến buýt hoạt động (tuyến CNG 03 và 25) với tổng cộng 290 lượt xe/ngày, mới chỉ phục vụ được một phần nhỏ nhu cầu đi lại của người dân do các tuyến hoạt động phía ngoài, điểm dừng của tuyến cách vị trí trung tâm xã khoảng từ 1,5 - 2,5 km.

Trước đó, Chính phủ vừa đồng ý cho phép TP.HCM được tự quyết thí điểm xe bus điện lớn, có sức chứa từ 65 đến 70 hành khách. Sở GTVT cũng đã đề xuất thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với tổng số 77 xe trong 12 tháng. Bên cạnh đó, TP.HCM đã thí điểm vận hành ba tuyến xe bus không trợ giá, sử dụng xe bốn bánh (12 chỗ), gắn động cơ chạy bằng điện hoạt động trên địa bàn từ năm 2017. Với 6 phương tiện, từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng đạt hơn 12.400 hành khách. 

PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng, với một “siêu” đô thị như TP.HCM, việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng là bắt buộc nhằm giảm ùn tắc, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng đang quá tải. Trong đó, phương tiện cần được khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch và cũng là xu thế tất yếu, góp phần giảm ô nhiễm không khí, giúp đa dạng và hiện đại hóa loại hình này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định, trong những năm qua, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ưu tiên ứng dụng thí điểm các nhiên liệu sạch LPG và CNG trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Việc thí điểm xe buýt CNG là bước đột phá trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, đúng với chủ trương của Chính phủ và TP. Hà Nội. Sử dụng nhiên liệu sạch trong các hoạt động vận tải cần tiếp tục được nhân rộng để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Thùy Linh/Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-mo-rong-vung-phuc-vu-hai-tuyen-buyt-nhien-lieu-sach-55356.html