Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, song tình hình buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn diễn biến phức tạp.

ha noi san xuat va kinh doanh trai phep duoc my pham tren mang dien bien phuc tap
Tình trạng sản xuất và kinh doanh trái phép dược mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp - Ảnh minh họa

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: Hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đối với  mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền ngày càng tinh vi. Các lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu vận chuyển qua các hình thức chuyển phát, giao hàng nhanh.

Ngoài ra, các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng trong và ngoài nước, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng.

Hiện nay, nổi lên tình trạng các đối tượng sản xuất hàng giả xuất xứ (sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại Việt Nam nhưng gắn nhãn mác xuất xứ nước ngoài như Made in USA, Made in Canada, Made in Newzeland..., khi xác minh thì không có chủ sở hữu, không có sản phẩm đó tại nước ngoài).

Việc các nhãn hàng, sãn phẩm được quảng cáo rầm rộ trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền... đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường.

Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh kém chất lượng, kinh doanh trên mạng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Ngày 12/01/2019, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, thu giữ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm 2.660 lô kem dưỡng da, 4.499 lọ dầu xoa bóp, 5.590 viên An cung ngưu hoàng hoàn, 31.990 viên Ngưu hoàng thanh tâm hoàn nhãn hiệu nước ngoài.

Trước đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17, Ban chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã kịp thời triển khai và xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành thành viên và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã như sau: Xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra liên ngành số 19/KH-BCĐ 389/TP ngày 06/6/2018 đối với mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban hành văn bản số 22/BCĐ389/TP-CQTT ngày 05/7/2018 của BCĐ 389/TP về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền; hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật, thông tin về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hoá đơn về cơ bản đã được kiểm soát.

Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Qua đó, lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra; Chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc đông y tại các địa bàn trọng điểm.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-san-xuat-va-kinh-doanh-trai-phep-duoc-my-pham-tren-mang-dien-bien-phuc-tap-8194.html 

Theo Kinh Tế Môi Trường