Trong năm 2019, Hà Nội sẽ mở thêm 4 tuyến buýt sử dụng xe chất lượng cao, nhiên liệu sạch
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho Báo Giao thông biết, 4 tuyến buýt này hoạt động chủ yếu ở khu vực các quận nội thành như: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và các huyện xung quanh khu vực nội thành gồm Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng. Đây là những khu vực có mật độ dân cư đông, giao thông lớn cần thiết phải giảm thiểu tiếng ồn do động cơ, ô nhiễm khí thải do phương tiện gây ra.
Việc sử dụng xe buýt dùng nhiên liệu sạch nằm trong Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”, ưu tiên, khuyến khích việc đầu tư phương tiện trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Ưu điểm của buýt CNG là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm 30% nhiên liệu so với xe sử dụng dầu, giảm đến 20% lượng khí cacbonic, 30% nito oxit và 70% sunfua oxit so với xe sử dụng nhiên liệu dầu… Với lộ trình 30-40 km, giá vé trên các tuyến này chỉ 7.000-9.000 đồng/lượt.
Hiện Hà Nội đã đưa xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch vào hoạt động trên 3 tuyến là Bến xe Mỹ Đình -Bến xe Sơn Tây (19 xe), Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá (16 xe), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II - Khu đô thị Times City (15 xe). Đây đều là các xe sàn thấp hỗ trợ cho người khuyết tật, hệ thống bảng điện tử LED hiện đại, wifi miễn phí, hệ thống GPS…
Trong 21 tuyến buýt dự kiến mở mới năm 2019, ngoài 4 tuyến sử dụng nhiên liệu sạch, còn có 9 tuyến kết nối với các khu vực ngoại thành, khu du lịch như: Bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn, Bến xe Yên Nghĩa - Thường Tín, Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức, Công viên Thiên đường Bảo Sơn - Phùng, Nhổn - Thọ An, Bác Cổ - Kiêu Kỵ, Cầu Giấy - Tam Hiệp (Thanh Trì), Cầu Giấy - Khương Đình, Trung tâm Thể dục thể thao Hoàng Cầu - Hoàng Mai.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ mở mới các tuyến sử dụng mini buýt, có thể đi vào những trục đường nhỏ, mặt cắt chỉ 4-5 m nhưng có mật độ dân cư đông để gom hành khách ra những trục chính, từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng của thành phố.
Đáng lưu ý, nhiều tuyến buýt trong số này sẽ được kết nối, trung chuyển với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi tuyến đường sắt này đưa vào khai thác chính thức.
Cũng theo ông Vũ Văn Viện, Hà Nội sẽ nỗ lực để người dân có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng dễ dàng hơn, với thời gian chờ đợi không quá 5-10 phút kể cả chuyển tuyến.