Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cháy rừng, chế độ báo cáo, bảo đảm cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo PCCCR, duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 giờ vào mùa cao điểm; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị xây dựng và triển khai phương án PCCCR; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR, phát bản tin cảnh báo cháy rừng.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương tham gia công tác PCCCR và xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chữa cháy rừng chủ động tham gia chữa cháy rừng khi được huy động.
Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, PCCCR. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCCR và hướng dẫn chủ rừng tổ chức khắc phục kịp thời các tồn tại, vi phạm. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương xây dựng phương án PCCCR; tổ chức thực tập phương án PCCCR có sự tham gia của nhiều lực lượng. Tổ chức thường trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có sự cố cháy xảy ra.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; xây dựng các nội dung khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp PCCCR. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR;
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai phương án PCCCR, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy, cháy lớn.
Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá tình trạng của lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “phòng là chính”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa hanh khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.