Sẵn sàng bỏ thêm tiền để dùng nước sạch
Cách đây chưa lâu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô.
Theo văn bản trên, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đưa ra chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm, đảm bảo phù hợp với thực tế của Hà Nội.
Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội vừa trải qua "cơn khủng hoảng" nước sạch.
Hiện tại, giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013 - 2015. Mỗi năm, TP Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 là 15.929 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay.
Trước đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên, đặc biệt có hơn 250.000 người dân Hà Nội vừa trải qua "cơn khủng hoảng" về nước sinh hoạt do nhiễm dầu thải từ đầu nguồn do Viwasupco sản xuất, cung cấp đã khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng cũng như cho rằng không phù hợp.
Người dân cho biết, nếu tăng giá nhưng chất lượng luôn đảm bảo sẽ ủng hộ.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Mai Lan trú tại quận Thanh Xuân cho biết: "Gia đình tôi cũng như rất nhiều gia đình vừa phải trải qua những ngày khốn đốn vì nước sạch nhiễm bẩn. Thậm chí, đến thời điểm này nước vẫn chưa thật sự ổn định nhưng phía TP đã đề xuất tăng giá nước tôi cảm thấy chưa thật sự hợp lý".
Cùng nêu ý kiến về việc Hà Nội đề xuất tăng giá nước, anh Nguyễn Khánh trú tại tổ hợp HH Linh Đàm nêu quan điểm: "Nếu tăng nhưng chất lượng nước tăng theo và luôn đảm bảo an toàn cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi thực tế trong thời gian vừa rồi, nước sinh hoạt ở nhiều thời điểm quá bẩn, tình trạng thiếu nước vẫn còn nhiều. Chúng tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để sử dụng nước sạch thay vì nguồn nước như hiện nay".
Tăng giá phải đi đôi với chất lượng
Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng sự cố nước sinh hoạt bị nhiễm dầu gây ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội là sự cố hi hữu, không phải phổ biến và không ai muốn.
"Chúng ta cũng đừng vì điều đó mà đánh giá cả một hệ thống cơ quan sản xuất nước sạch", đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Đại biểu Trần Văn lâm - Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
Trao đổi về việc Hà Nội đang xây dựng đề xuất tăng giá nước, vị đại biểu đoàn Bắc Giang cho hay: "Thứ nữa, làm gì thì làm, kinh doanh phải có hiệu quả và trên cơ sở hiệu quả kinh doanh ấy, càng ngày nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu như giá nước quá rẻ chúng ta không có điều kiện nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống cung cấp".
Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng lý giải việc Hà Nội tăng giá nước nằm theo lộ trình, tăng để đáp ứng nhu cầu là điều bình thường. Việc tăng cũng đúng lộ trình, từ đó có kế hoạch để bù đắp chi phí và nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý chất lượng an toàn nước cho người dân.
Theo đại biểu Lâm, trong đề án của Hà Nội có chính sách tăng theo lũy tiến cũng là hợp lý bởi nguồn tài nguyên nước là hữu hạn, đòi hỏi người dân phải sử dụng tiêt kiệm. Chính sách giá lũy tiến cũng hạn chế người dân sử dụng bừa bãi, lãng phí. Những người sử dụng ít, tiết kiệm sẽ được trợ giá và người sử dụng nhiều phải trả cao hơn để bù đắp cho nhà sản xuất.
Đối với các cơ quan quản lý, đại biểu cũng cho biết cần có một cơ chế minh bạch: "Đây là những biện pháp quản lý mang tính kỹ thuật là chính nên hoàn toàn có thể giải quyết được. Làm thế nào minh bạch được các thông số kỹ thuật, để người dân tham gia vào quá trình giám sát chất lượng thì người dân sẽ yên tâm".