Trước diễn biến phức tạp, lây lan nhanh của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội vừa ban hành Công văn số 325/TTBVTV-BVTV, đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chủ động diệt chuột bảo vệ sản xuất và hạn chế vật chủ trung gian làm lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, để chủ động bảo vệ sản xuất và hạn chế vật chủ trung gian làm lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường thông tin tuyên truyền về tác hại và các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả; tổ chức diệt chuột tập trung tại các khu đa canh, khu công nghiệp, trang trại, ven làng... bằng thuốc diệt chuột sinh học; thường xuyên diệt chuột bằng biện pháp thủ công (sử dụng bẫy bán nguyệt, đào bắt...) ở những nơi chuột gây hại; sau đợt diệt chuột tổ chức kiểm tra, thu gom và tiêu huỷ chuột chết.

ha noi tap trung diet chuot han che vat chu trung gian lam lay lan benh dich ta lon chau phi
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, yêu cầu Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân về các biện pháp diệt trừ chuột an toàn, hiệu quả và tổ chức tốt đợt tẩy uế môi trường, diệt côn trùng, ruồi muỗi; chỉ đạo nhân viên kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp xã điều tra, phân loại diện tích bị chuột hại và chủ động tham mưu với địa phương tổ chức diệt chuột an toàn, hiệu quả ở những nơi chuột gây hại...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố khá phức tạp, lây lan nhanh, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Đến ngày 13-5-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi (chiếm 9,62% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố) tại 1.206 thôn, tổ dân phố ở 346 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức , Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con lợn.

Theo phapluatxahoi.vn