Tình trạng cho thả rông không rọ mõm vẫn xuất hiện nhan nhản trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Nhật Tân
Nhiều trường hợp chó cắn chết người
Nuôi chó trông giữ nhà là tập quán của người dân, nhất là ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nơi đất rộng rãi. Riêng huyện Sóc Sơn, tổng đàn chó, mèo của toàn huyện là 89.076 con, chiếm 21% tổng đàn chó, mèo của toàn thành phố. Một số xã vùng đồi núi, mỗi hộ ở trên diện tích hàng nghìn m2, hầu hết không có tường rào nên việc quản lý chó nuôi và tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo hàng năm gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ ở vùng ngoại thành mà ngay trong nội đô, người dân cũng có thể dễ dàng bắt gặp những con chó không đeo rọ mõm được chủ dắt đi trên đường phố, thậm chí ngay tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, gây bức xúc cho du khách trong thời gian dài. Trước thực trạng này, quận Hoàn Kiếm đã thông báo cấm tuyệt đối việc người dân mang thú nuôi vào tuyến phố đi bộ nhưng thi thoảng vẫn thấy những chú chó “vô kỷ luật” không đeo rọ mõm nghênh ngang trên đường phố.
Ở khu đô thị Linh Đàm (Thanh Trì), thời gian gần đây, người dân không khỏi lo ngại khi tình trạng chó không đeo rọ mõm diễn ra khá phổ biến ở những địa điểm công cộng. Việc dắt chó đi trong thang máy, ra ngoài đường không rọ mõm diễn ra thường xuyên. Nhất là trong khu vực Công viên Linh Đàm vào những ngày cuối tuần, khi người dân đi bộ, tập thể dục, trẻ nhỏ chơi ở công viên rất đông, nhưng nhiều người vẫn dắt chó đi dạo; trong đó, có người dắt 3 - 4 con chó, có những con to lừng lững dằng dây xích khỏi tay chủ chạy lồng lên trong công viên khiến nhiều người khiếp sợ.
Từ đầu năm đến nay, địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều trường hợp chó mắc dại, nghi mắc dại, chó thả rông, chó lạ cắn người tại một số quận, huyện, gây tâm lý hoang mang cho người dân, trong đó đã có 3 người chết do phát bệnh dại. Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người bệnh lên cơn dại, 100% dẫn tới tử vong.
Chưa kể, không ít vụ chó nuôi tấn công, thậm chí cắn chết người. Nạn nhân gần đây là ông N.V.T (ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bị chó cắn vào cổ sáng 19/8 dẫn tới tử vong. Trước đó, ngày 14/7, một bé gái 8 tháng tuổi ở phường Đội Cấn (quận Ba Đình) cũng bị chó nhà tấn công dẫn tới tử vong.
Tập huấn kỹ năng cho tổ xung kích
Chó thả rông không đeo rọ mõm, không có người dắt... sẽ bị bắt giữ và xử phạt hành chính đối với người nuôi. Ảnh: Quốc Triều
Trước những vụ việc thương tâm do chó cắn xảy ra gần đây, người dân yêu cầu lực lượng chuyên trách của chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm về nuôi và quản lý vật nuôi. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ gia đình nuôi chó thấy được việc thả rông chó không rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa XV sắp tới, cử tri Phạm Sông Thao (phường Kim Giang, Thanh Xuân) phản ánh: Hiện nay, tình trạng nuôi chó đang diễn ra phổ biến ở các khu tập thể và trên địa bàn các phường, xã. Người dân gặp chó thả rông giữa đường phố rất sợ hãi. Không những thế, chó còn phóng uế bừa bãi, được chủ dắt đi giữa đường không có rọ mõm. Thậm chí, tình trạng chó cắn chết người, chó cắn chủ nhà bị thương vẫn thường diễn ra. Mặc dù thành phố đã có chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã xử lý, nhưng đến nay chưa hiệu quả.
“Gần đây, ở TPHCM đã thành lập các đội săn bắt chó kèm theo chế tài xử lý, bước đầu đã có hiệu quả. Hà Nội nên áp dụng hình thức như TPHCM đang triển khai”, ông Phạm Xuân Thao kiến nghị.
Xung quanh ý kiến của cử tri về việc quản lý chó thả rông, ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, đây là thực trạng xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí có những hộ dân ở chung cư cũng nuôi chó và chủ nhà dắt chó đi trong thang máy nhà chung cư, do đó cần phải có phương án quản lý, giải quyết.
Theo lời ông Lưu, quận Thanh Xuân vừa ban hành kế hoạch, triển khai mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại”. Cụ thể, UBND các phường và các tổ dân cư thành lập những đội xung kích và tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh dại và bắt chó thả rông. Ngoài ra, các thành viên đội, tổ xung kích phản ứng nhanh được tập huấn kỹ năng giám sát, bắt giữ và xử lý chó thả rông.
Phương án mà quận Thanh Xuân đưa ra đã được TPHCM triển khai nhiều năm nay và rất hiệu quả. Theo đó, đội săn bắt chó thả rông của TPHCM gồm 7 thành viên, hàng ngày chia ca nhau rảo khắp phố phường để thu gom chó thả rông, tạm giữ ở trụ sở 252 Lý Chính Thắng chờ chủ đến nộp phạt. Tại chuồng nhốt, phần lớn các chú chó được chăm sóc khá kỹ, đặc biệt là khâu phòng chống bệnh dại lây lan. Sau 48 giờ, nếu chủ nhân không đến đóng phạt và nhận lại, người ta sẽ đem đi tiêu hủy. Thường những chú chó này được tiêm một liều thuốc và sau đó hỏa thiêu.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao. Song song với việc bắt giữ và xử lý chó thả rông, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tăng cường vào cuộc, kiểm soát đàn chó, mèo và loại trừ bệnh dại thông qua việc tiêm phòng vaccine.
Ngoài ra, ngành chức năng cần tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại. Các cơ sở y tế đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vaccine, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn.
Thiệt hại 600 tỷ đồng/năm vì bệnh dạiTheo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn (chủ yếu là chó) tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nhiều trường hợp bị chó nghi dại cắn, cào nhưng không tiêm phòng vaccine, thậm chí chữa ở thầy lang thay vì đến cơ sở y tế dẫn đến thiệt mạng. |
Nhật Tân