Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong ngày 27/5, đã có 577 hộ chăn nuôi thuộc 21 quận, huyện trên địa bàn thành phố bị nhiễm ASF, 11.135 con lợn bị tiêu hủy.
Lũy kế đến nay, ASF đã xảy ra trên địa bàn thành phố tại 15.077 hộ chăn nuôi (chiếm 7,57 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.787 thôn, tổ dân phố của 421 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm), thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 239.745 con lợn.
Điều đáng chú ý, thành phố và các chính quyền địa phương không chỉ đưa ra các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà, mà còn cấp bổ sung 145.467 lít hóa chất và 4.396.264kg vôi bột để tiêu diệt ổ ASF.
Theo đánh giá chung, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, ASF vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Về các giải pháp phòng, chống ASF, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu kịp thời, có hiệu quả UBND thành phố, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ diễn biến ASF tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ảnh qua đường dây nóng.
Cần tập trung toàn lực để phòng ngừa
Với người chăn nuôi, ngoài thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng chuồng trại, sát trùng người và phương tiện ra ngoài trại….thì việc chọn thức ăn, nước uống cho heo cũng cần đặc biệt lưu ý để tránh nhiễm bệnh.
Về thức ăn, tuyệt đối không được cho heo ăn thức ăn thừa, phụ phẩm chế biến từ nhà bếp chưa qua nấu chín bởi nguy cơ nhiễm virus ASF rất cao. Trong bối cảnh dịch bệnh này, nhiều chuyên gia khuyến cáo nên chọn thức ăn chế biến sẵn cho heo và nên chọn sản phẩm có nguồn gốc, thương hiệu từ những hãng uy tín để bảo đảm chất lượng, tránh mua sản phẩm trôi nổi dù giá rẻ.
Nguồn nước sử dụng cho heo phải sạch và được tiệt trùng, bởi vì mầm bệnh có thể tồn tại trong nước trong 60 ngày. Tuyệt đối không sử dụng nước sông làm nước rửa chuồng, xả máng cho trại chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, Chi Cục vẫn tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn thành phố. Chi cục cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với ASF trong vùng có dịch (cấp xã, cấp huyện). Thịt và sản phẩm từ lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch bệnh theo cấp địa phương.
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện tại Việt Nam hồi đầu tháng 2/2019 ở tỉnh Hưng Yên, Thái Bình sau đó lan ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Đến cuối tháng 4/2019, ASF lan đến miền Nam, ngay thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai và một số tỉnh khác như Bình Phước, Hậu Giang… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành Báo cáo nhanh số 248/BC-SNN về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh ASF trên địa bàn thành phố. |