Trước đó, báo điện tử Gia đình Việt Nam có đăng tải bài viết: “Hành lang thoát lũ sông Hồng đang bị lấn chiếm trái phép?”. Nội dung bài báo phản ánh về tình trạng khu đất ở tổ 27 phường Ngọc Lâm có diện tích nằm trong hành lang thoát lũ an toàn sông Hồng, nhưng từ nhiều năm nay đã bị người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên hành lang thoát lũ để kinh doanh.
Cụ thể, theo phản ánh, do tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên giữa năm 2014, toàn bộ 16 hộ kinh doanh ăn uống tại Chợ ẩm thực đã đua nhau “xẻ thịt” khoảng 3.000m2 đất hành lang lưu không ven sông Hồng (diện tích này nằm sát bờ sông và cách các nhà cầu chợ nói trên một con đường, trước đó đã được trồng cây xanh, thảm cỏ) để dựng lều, lán bằng khung sắt mái tôn mở rộng quán kinh doanh.
Trước thực trạng trên, UBND phường Ngọc Lâm đã không ít lần cam kết sẽ xử lý nghiêm vụ đất hành lang sông Hồng bị “xẻ thịt” bằng cách tăng cường chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tổ chức giải tỏa, trực chốt ngăn ngừa và xử lý kịp thời… Vậy nhưng, sai phạm vẫn cứ thế tiếp diễn và mọi “hứa hẹn” của UBND phường Ngọc Lâm đều bị “ngó lơ”.
Để làm rõ việc xử lý đất hành lang sông Hồng bị lấn chiếm, phóng viên BáoGia đình Việt Nam đã đến UBND phường Ngọc Lâm đặt lịch làm việc. Thế nhưng, sau hơn một tháng, ông Lê Mạnh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm mới bố trí được lịch hẹn với phóng viên và tỏ thái độ không mấy vừa lòng trong suốt buổi làm việc.
Khi nhắc đến tình trạng xâm lấn vi phạm hành lang an toàn thoát lũ dọc bờ sông Hồng đang bị người dân lấn chiếm để dựng lều quán kinh doanh tại tổ 27, ông Tùng thừa nhận là có. Nhưng vị Phó chủ tịch nói, không có công trình xây dựng kiên cố mà chỉ là lều lán tạm bợ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các công trình xây dựng kiên cố vi phạm hành lang an toàn đê điều, vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, giới hạn hành lang an toàn thoát lũ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, có không ít lều lán xây dựng kinh doanh cách bờ sông chỉ vài chục mét.
Theo ông Tùng, tại tổ 27 hiện có 16 hộ thuê ki ốt, tuy nhiên còn 14 hộ kinh doanh hoạt động, 2 hộ còn lại do không làm ăn được nên bỏ thuê. Số tiền cho thuê ki ốt tại đây nộp về phường Ngọc Lâm. “Những năm trước tiền cho thuê ki ốt mỗi năm khoảng vài trăm triệu. Tuy nhiên, mới đây lại có giá khác”- Ông Tùng nói.
Khi phóng viên đặt vấn đề xin tài liệu, văn bản giấy tờ liên quan đến việc cho các hộ dân thuê đất dựng lều quán kinh doanh tại tổ 27 phường Ngọc Lâm nhưng ông Tùng lấy lý do bận từ chối cung cấp văn bản cho phóng viên?.
Như vậy, có thể thấy, hàng ngàn mét vuông đất hành lang sông Hồng tại phường Ngọc Lâm bị xẻ thịt đã rõ, vậy tại sao UBND phường Ngọc Lâm (Long Biên) vẫn không xử lí dứt điểm?
Nhiều câu hỏi đang được dư luận đặt ra, phải chăng chính UBND phường Ngọc Lâm đang “tiếp tay” cho sai phạm để cho tình trạng trên diễn ra một cách công khai?
Hơn lúc nào hết, UBND quận Long Biên, UBND TP.Hà Nội và Thanh tra Sở xây dựng cần vào cuộc kiểm tra, xử lí những sai phạm đang tồn tại ở tổ 27 phường Ngọc Lâm, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân đã “buông lỏng” quản lý khi để xảy sai phạm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
Để quản lý đất đai, môi trường được tốt hơn, ngày 21/11/2006, UBND quận Long Biên có Quyết định số 1923/QĐ-UB phê duyệt kết quả trúng thầu phương án quản lý chống lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh môi trường kết hợp khai thác làm dịch vụ trông giữ xe của HTX dịch vụ Vận tải bốc xếp Gia Lâm. Trong đó, Điều 2 của quyết định này nêu rõ: Thanh tra xây dựng quận, UBND phường Ngọc Lâm và HTX dịch vụ Vận tải bốc xếp Gia Lâm có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và Pháp lệnh đê điều; đảm bảo không để vi phạm hành lang lưu không đường sông. Vậy nhưng thực tế sai phạm đang diễn ra tràn lan trên địa bàn phường Ngọc Lâm. |