Nhiều tổ chức hành nghề chưa chấp hành đầy đủ quy định pháp luật

Theo UBND TP Hà Nội, trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng.

Các tổ chức hành nghề đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển chung về kinh tế- xã hội của TP như: Bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính của các tổ chức, cá nhân; giảm tải công việc cho các cơ quan tiến hành tố tụng và thực thi pháp luật; giải quyết một phần các tranh chấp dân sự, kinh tế ngoài cơ chế tòa án; góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động cải cách tư pháp, cải cách hành chính của TP...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn có những tổ chức hành nghề chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật. Hoạt động hành nghề còn nhiều tồn tại, hạn chế và có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Không thực hiện nghĩa vụ thống kê, báo cáo theo quy định; thực hiện không đúng quy định của pháp luật tài chính kế toán về thu phí thù lao và quy định về ký kết, sử dụng lao động; thực hiện không đúng hoặc không thực hiện việc đăng ký với cơ quan quản lý về các nội dung thay đổi của tổ chức theo quy định…

Đáng chú ý, có tổ chức hành nghề công chứng ký chứng thực bản sao không cần bản chính; ký chứng nhận hợp đồng, giao dịch khi không có mặt đầy đủ các bên, không đủ giấy tờ hợp lệ; sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng không đúng quy định; lời chứng của công chứng viên không chính xác theo hướng dẫn; mở địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng….

Nhiều tổ chức hành nghề luật sư chưa chấp hành quy định của pháp luật luật sư về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, không mua bảo hiểm trách nhiệm cho luật sư thành viên; ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý chưa đúng quy định. Một số tổ chức hành nghề Thừa phát lại vi phạm quy định về phạm vi, thẩm quyền khi tiến hành lập vi bằng, tống đạt văn bản chậm trễ, giao nhận sai đối tượng. Có tổ chức đấu giá tài sản có dấu hiệu cản trở người tham gia đấu giá, thực hiện không đúng quy định về niêm yết thông báo đấu giá, bán và thu nhận hồ sơ tham gia đấu giá.

ha noi xu ly bien hieu cong chung gay hieu lam
Bổ trợ tư pháp là lĩnh vực đặc thù vì liên quan trực tiếp đến người dân, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, kết quả có thể lượng hóa được và hậu quả, hệ quả có thể đo đếm được. Ảnh minh họa

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

Khắc phục tình trạng kể trên, đảm bảo hoạt động của các tổ chức hành nghề bổ trợ tuân theo quy định pháp luật, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức cá nhân, nhiều giải pháp cụ thể đã được UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tập trung triển khai.

Trong đó, đối với Sở Tư pháp, UBND TP yêu cầu phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tập trung vào hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động hành nghề bổ trợ tư pháp. Đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như Đoàn luật sư, Hội công chứng viên, Hội đấu giá viên TP cần nắm chắc số lượng thành viên, hội viên; đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động hành nghề, việc chấp hành quy định pháp luật của tổ chức hành nghề, việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cá nhân hành nghề bổ trợ tư pháp. Kịp thời phát hiện vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm của luật sư, công chứng viên, đấu giá viên theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trong hoạt động nghề nghiệp, chủ động cập nhật, theo dõi các văn bản quy phạm pháp luật trong và ngoài lĩnh vực bổ trợ tư pháp để phát hiện những bất cập, mâu thuẫn kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung…

Việc xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng được Bộ Tư pháp thường xuyên lưu ý các địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, cả hệ thống nghề của Bộ Tư pháp (luật sư, đấu giá, công chứng, quản tài viên…) đều tập trung tại công tác bổ trợ tư pháp.
Tuy nhiên thời gian qua, lĩnh vực bổ trợ tư pháp vẫn chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ cho Bộ, ngành và đồng hành cùng Chính phủ. Vẫn còn có những thành viên hành nghề có biểu hiện lệch lạc, tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các đối tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Việc xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng được Bộ Tư pháp thường xuyên lưu ý các địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, cả hệ thống nghề của Bộ Tư pháp (luật sư, đấu giá, công chứng, quản tài viên…) đều tập trung tại công tác bổ trợ tư pháp.

Tuy nhiên thời gian qua, lĩnh vực bổ trợ tư pháp vẫn chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ cho Bộ, ngành và đồng hành cùng Chính phủ. Vẫn còn có những thành viên hành nghề có biểu hiện lệch lạc, tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các đối tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Nguyên An

Theo phapluatxahoi.vn