Hà Nội dù có phát triển hiện đại đến đâu thì trong tiềm thức của những người yêu Hà Nội, những góc phố thân quen với các công trình xưa cũ vẫn giữ một vị trí thật đặc biệt. Bách hóa Tràng Tiền, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn... trải qua hàng trăm năm đã có ít nhiều đổi khác nhưng kiến trúc cũ vẫn cơ bản được bảo tồn, giữ lại những giá trị lịch sử đángtrân trọng.
Cùng nhìn lại xem, những công trình đặc biệt ấy đã thay đổi ra sao sau bao thăng trầm thời gian:
Tràng Tiền Plaza
Tràng Tiền Plaza tọa lạc tại góc phố Tràng Tiền - Hàng Bài, được xem là một trong những biểu tượng kinh doanh của Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Tên cũ của trung tâm này là Nhà Godard.
Đến năm 1960, Nhà Godard trở thành Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, là cửa hàng lớn nhất toàn miền Bắc lúc bấy giờ. Suốt hơn nửa thế kỷ sau đó, Bách hóa Tổng hợp được thay tên một lần vào năm 2002, là Tràng Tiền Plaza, trở thành nơi buôn bán pha tạp từ hàng cao cấp đến bán lẻ bình dân.
Tháng 4/2011, Tràng Tiền Plaza đóng cửa cải tạo trong dự án trùng tu trị giá 400 tỷ đồng của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Công trình này đã được đưa vào hoạt động trở lại hồi tháng 4/2013, trở thành một trong những trung tâm mua sắm hàng hiệu lớn nhất Thủ đô với thiết kế kiến trúc hiện đại, sang trọng.
Nhà thờ Lớn Hà Nội
Nhà thờ Lớn Hà Nội là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục.Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.
Cầu Thê Húc
Năm 1865, dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên là Thê Húc, nghĩa là "giọt ánh sáng đậu lại" hay "ngưng tụ hào quang".
Cầu đã trải qua 2 lần tái thiết kế từ khi hoàn tất. Lần thứ nhất vào năm 1897 triều Thành Thái. Lần thứ hai là vào năm 1952 sau sự cố một nhịp cầu gãy vào đêm Giao thừa vì khách đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông. Dưới sự giám sát của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, móng cầu hiện nay được đúc bằng xi măng thay vì gỗ.
Nhà Hát Lớn Hà Nội
Nhà Hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, gần hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đây là công trình có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội.
Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng còn gọi là ô Đông Hà, cửa ô của Hà Nội xưa. Công trình được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được tái tạolại và giữ nguyên đến nay. Đây là cửa ô duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long cũ.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng (1898-1902). Ban đầu, cầu được đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dươngthời bấy giờ - Paul Doumer. Công trình này cũng là một biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội. Năm 1890, chính quyền Pháp bắt đầu xây dựng chợ, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m.Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, xung quanh là phố Đồng Xuân, Hàng Khoai, Cầu Đông, ngõ Chợ Đồng Xuân. Năm 1994, hỏa hoạn nghiêm trọng thiêu rụi gần như toàn bộ các gian hàng bên trong chợ. Tuy nhiên, đến nay, kiến trúc của chợ cơ bản được lưu giữ và nơi đây cũng trở thànhđiểm tham quan, mua sắm yêu thích của nhiều du khách.
Tháp nước Hàng Đậu
Năm 1894, tháp nước Hàng Đậu được xây dựng bằng đá từ phế liệu phá thành Hà Nội. Tháp trông như một pháo đài gồm ba tầng, hình trụ tròn đường kính 19m, cao 25m, mái tôn hình chóp nón, xung quanh có những cửa sổ nhỏ như lỗ châu mai.
Đỗ Linh (Ảnh Hà Nội xưa: Sưu tầm)