Đỏ mắt tìm trứng gà
Đã gần 3 ngày nay, bà Đỗ Huệ Tuyến, trú tại Đại La, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đều phải dậy từ 6 giờ sáng, tới siêu thị gần nhà nhất để mua trứng gà.
Bà Tuyến cho biết: Hiện nay, giá trứng gà tại siêu thị rẻ hơn rất nhiều so với các chợ dân sinh. Cụ thể, tại siêu thị, giá 1 vỉ trứng gà, 10 quả có giá 25.000 đồng, thế nhưng, tại các chợ dân sinh, giá trứng gà bị đẩy lên 45.000 - 50.000 đồng/chục.
“Trong 1 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, giá trứng tại các chợ vẫn không hề giảm nhiệt. Do đó, tôi phải dậy sớm để tới siêu thị mua trứng, không thì chỉ trong vài tiếng là hết sạch”, bà Tuyến nói.
Bà Tuyến kể, có một lần đi siêu thị muộn, khoảng 9 giờ sáng, toàn bộ kệ bán trứng đều sạch kể. Thậm chí, bà Tuyến còn tới các cửa hàng tiện lợi gần quanh để “săn” trứng nhưng đều không còn.
Cũng giống như bà Tuyến, anh Trần Văn Định đã có 2 ngày “săn” tìm mua trứng gà bất thành tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thậm chí, anh Đinh còn tới các siêu thị lớn hơn, đại siêu thị, tình trạng trứng gà “cháy hàng” vẫn tiếp diễn.
“Đơn cử như sáng nay, cứ tưởng 1 tuần giãn cách, sức mua trứng sẽ giảm. Thế nhưng, tới siêu thị lúc 9 giờ sáng, toàn bộ trứng trong cửa hàng đều không còn, kể cả các sản phẩm trứng gà sạch, có giá đắt gấp đôi cũng không còn hàng để bán”, anh Định nói.
Theo khảo sát của PV Báo Nhà báo và Công luận tại các chợ dân sinh, như chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ), vào ngày 1/8, giá các loại trứng gia cầm, trứng vịt, trứng gà, trứng cút vẫn rất cao, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi giãn cách xã hội.
Cụ thể, giá trứng gà công nghiệp (trứng gà đỏ) tăng từ 16.000 đồng/chục, lên 35.000 - 40.000 đồng/chục; giá trứng gà ta (trứng gà trắng) tăng từ 25.000 đồng/chục lên 50.000 đồng/chục; giá trứng vịt tăng từ 20.000 đồng/chục lên 45.000 đồng/chục.
Trong khi đó, tại hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại Hà Nội, giá trứng gà vẫn bình ổn, không tăng giá, tùy thuộc vào thương hiệu và sản phẩm, giá trứng gà dao động từ 25.000 - 49.000 đồng/chục, tùy loại.
Hầu hết giá rau xanh, thịt đều bình ổn
Ở chiều ngược lại, giá bán các loại rau xanh, các loại thịt heo, thịt bò, hải sản tại các chợ dân sinh, lẫn siêu thị đều ổn định.
Cụ thể, giá thịt ba chỉ heo dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; sườn non có giá 160.000 - 165.000 đồng/kg; mông sấn 90.000 - 100.000 đồng/kg. Thịt bò giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg…
Đối rau xanh, rau muống dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/mớ, cà chua từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, bắp cải khoảng 20.000 đồng/kg, rau ngót, mùng tơi khoảng 5.000 đồng/mớ;...
Tương tự, đối với mặt hàng hoa quả, giá cả cũng bình ổn. Đơn cử như mãng cầu 25.000 30.000 đồng/kg, dưa hấu 35.000 - 40.000 đồng/quả, măng cụt 30.000 - 50.000 đồng/kg, xoài 40.000 - 45.000/kg;...
Theo báo cáo về công tác sản xuất nông nghiệp và kết nối, cung ứng hàng hóa nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, phục vụ người dân trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, mỗi tháng Hà Nội cần khoảng 244.000 tấn gạo, rau quả, thịt, thủy sản... và gần 124 triệu quả trứng gia cầm.
Phần lớn lương thực, thực phẩm tự sản xuất trong thành phố đáp ứng gần đủ nhu cầu. Mặt hàng thịt gia cầm còn có phần dư thừa, bởi mỗi tháng sản lượng xuất chuồng khoảng 10.671 tấn, trong khi nhu cầu của thành phố chỉ cần 6.198 tấn/tháng. Trong khi đó, một số mặt hàng thực phẩm phải nhập thêm từ các tỉnh thành khác với khối lượng lớn như: thịt trâu, bò (nhập 80,7%); rau củ phải nhập thêm 34,9%; thực phẩm chế biến nhập tới 81%.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân. Lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường với 836.000 tấn gạo; 167.346 tấn thịt lợn; 48.150 tấn thịt trâu, bò; 55.782 tấn thịt gia cầm; trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
Đặc biệt, trước sự kiện chợ đầu mối phía Nam phải đóng cửa vì có ca bệnh, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lên tiếng trấn an người tiêu dùng. Bà Nguyễn Phương Lan - quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - khẳng định, cơ quan này đã chỉ đạo rà soát diện tích đất trống sẵn sàng hoạt động khi các chợ dân sinh, chợ đầu mối phải đóng cửa. Đồng thời chia nhỏ các điểm tập kết, bán hàng để không đứt gãy nguồn cung thực phẩm.
"Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân", bà Lan nói.
Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, hàng hóa có khả năng thiếu cục bộ, hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, TP. Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần.
Đồng thời, huy động tổng lực vận chuyển hàng hoá từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở hàng xuyên đêm vào nội thành, tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.
Nguồn: https://congluan.vn/mot-tuan-thuc-hien-gian-cach-trung-gia-cam-tai-ha-noi-van-chay-hang-post147754.html