Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã có những thay đổi nhất định. Đặc biệt, khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa.

Thay vào đó, đi chợ online là giải pháp hoàn hảo giúp người dân nhận được hàng ngay tại nhà mà không cần phải ra ngoài.

Người tiêu dùng dễ dàng đi chợ online thông qua website hoặc các app trên điện thoại
Người tiêu dùng dễ dàng đi chợ online thông qua website hoặc các app trên điện thoại

“Thông qua app trên điện thoại hoặc website của siêu thị, cửa hàng, tôi có thể lựa chọn được nhiều thực phẩm và tra cứu thông tin từ nguồn gốc, giá cả, thương hiệu… ngay tại nhà. Thỉnh thoảng tôi còn nhận được các mã khuyến mãi, giảm giá cho các đơn hàng online”, chị Ngô Thị Kim Khoa (ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết.

Ngoài hạn chế được việc ra ngoài, tiếp xúc đông người để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, mua hàng online còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

“Chỉ cần tranh thủ 15p nghỉ trưa ở công ty để đặt thực phẩm, sau đó hẹn shipper giao đến nhà theo thời gian mong muốn, chiều về tôi đã có thể nhận được hàng mà không cần tất bật đi chợ như trước kia. Tôi còn có thể theo dõi được tình trạng đơn hàng thông qua xác nhận bằng cuộc gọi, tin nhắn, hóa đơn qua email của các siêu thị, cửa hàng”, chị Trần Ngọc My (ngụ quận 1, TP.HCM) chia sẻ.

Bên cạnh các ứng dụng điện tử đi chợ online như Taskee, Tiki, Grab, NOW…, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến với nhiều ưu đãi và giao hàng tận nơi.

Nhân viên giao hàng của nhiều nền tảng đứng trước một chung cư ở TP. Thủ Đức
Nhân viên giao hàng của nhiều nền tảng đứng trước một chung cư ở TP. Thủ Đức

Theo thống kê của Tiki, chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, tăng trưởng toàn sàn lên đến 30%. Xu hướng tìm kiếm tăng rõ rệt ở những nhóm ngành hàng phục vụ cho công việc và hoạt động của bản thân và gia đình: Hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ tươi sống, nhà cửa đời sống, mẹ - bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện.

Tiki cho biết đã phối hợp với các đối tác là nhà bán hàng và thương hiệu đẩy mạnh nguồn cung ở hầu hết ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt với nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, cũng như ngành hàng công nghệ hỗ trợ làm việc và giải trí tại nhà.

Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, nhất là sản phẩm nước rửa tay tăng 25 lần. Tiki cam kết tất cả sản phẩm trên sàn đều bình ổn giá bán.

Các sàn thương mại điện tử cam kết bình ổn giá bán
Các sàn thương mại điện tử cam kết bình ổn giá bán

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cũng khẳng định, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi đi chợ online, vì các doanh nghiệp, trong đó có VISSAN cam kết không tăng giá bán, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong 3 ngày 29, 30 và đặc biệt ngày 31/5, khi TP.HCM chính thức giãn cách xã hội, mặt hàng thịt tươi sống của VISSAN tăng trưởng đến 20% trên kênh online.

Ông Dũng dự báo, doanh số bán hàng online sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong suốt giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, vì người tiêu dùng đang hạn chế tối đa việc ra ngoài.

Có thể thấy, kênh bán hàng online giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đáp ứng nhu cầu mua sắm, lại giải quyết được bài toán hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo Kỳ Hoa/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/cho-online-dat-hang-giua-nhung-ngay-gian-cach-xa-hoi-vi-covid-19-post136925.html