Hàng loạt dự án “trình làng”

Kể từ năm 2015, thị trường địa ốc khu Đông đã định hình, phát triển bài bản, từ hạ tầng lẫn dự án. Trong đó, thu hút sự chú ý nhất của cả chủ đầu tư và người mua nhà là phía Nam của khu Đông gồm quận 2, một phần quận 9 với hàng chục dự án của các nhà đầu tư lớn như Him Lam Land, Novaland, Keppel, Điền Phúc Thành...

Nếu như tại dọc các dự án hạ tầng giao thông lớn như Xa lộ Hà Nội, Metro số 1, Mai Chí Thọ…, các chủ đầu tư tập trung phát triển mạnh dòng sản phẩm chung cư thì ở những vị trí vùng ven, hạ tầng nhỏ, lại là “tâm điểm” của các chủ đầu tư phân khúc đất nền.

Theo tìm hiểu, chỉ trong vòng 4 tháng, giá đất nền quận 9 đã tăng 20 - 40%. Cuối năm 2017, đất mặt tiền đường Hoàng Hữu Nam được rao bán 28 - 29 triệu đồng/m2 thì nay giá đã lên 35 - 36 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường Nguyễn Xiển, tăng từ 40 - 43 triệu đồng/m2 lên 49 - 58 triệu đồng/m2.

Đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, những lô có vị trí đẹp đang được chào bán 65 - 75 triệu đồng/m2, tăng 20 - 30% so với cuối năm ngoái (giá từ 50 - 60 triệu đồng/m2). Tuyến đường Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp ghi nhận mức tăng khoảng 30 - 40%, hiện giá rao bán tại đây đã chạm ngưỡng 80 - 120 triệu/m2. Đất nền dự án Centana Điền Phúc Thành, giá tăng từ 18 - 20 triệu đồng/m2 lên 26 - 27 triệu đồng/m2.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại quận 2, khu vực Bình An và Thạnh Mỹ Lợi có mức tăng mạnh nhất. Cuối năm 2017, giá đất tại đây dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2 nhưng đến nay, con số này đã được đẩy lên là 80 - 110 triệu đồng/m2.

Cùng với sự biến động giá của phân khúc đất nền, thị trường chung cư khu Đông cũng “trình làng” nhiều dự án mới như: Keppel Land với dự án Palm Height, Him Lam Land với dự án Him Lam Phú Đông, Him Lam Phú An, Novaland có Lexington, The Sun Avenue, Lake View City…

Hay mới đây nhất, công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) và Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc) cũng vừa động thổ xây dựng dự án Centum Wealth với quy mô 11.582 m2, toạ lạc ngay mặt tiền đường Phan Chu Trinh, phường Hiệp Phú, quận 9. Ngoài ra, theo tìm hiểu được biết, trong năm 2018, đơn vị này sẽ tiếp tục tung ra 2 dự án nhà ở mới cũng tại khu Đông.

Tập đoàn SDI cũng sắp tung ra thị trường dự án khu đô thị cao cấp cách đại lộ Mai Chí Thọ khoảng 1km, có diện tích hơn 70ha. Công ty Địa ốc Phú Long cũng mang ra thị trường một khu đô thị nằm tại phường Phú Hữu.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, từ năm 2014, thị trường bất động sản khu Đông chính thức vượt qua khu Nam trở thành tâm điểm chính của thị trường bất động sản TP.HCM.

Theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, quý I/2018 tại TP.HCM ghi nhận nguồn cung căn hộ mở bán đạt 10.431 căn hộ, đất nền đạt 970 nền với nguồn cung chủ yếu ở Củ Chi và Cát Lái, nhà phố, biệt thự có 621 căn với nguồn cung chủ yếu ở khu Đông và khu Nam thành phố.

Như vậy thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản tại thành phố mang tên Bác, khu vực phía Đông vẫn được xem là trung tâm của mọi hoạt động mua bán với sự đổ bộ của nhiều dự án lớn.

Sức bật từ hạ tầng

Trong chiến lược phát triển đô thị chung, TP.HCM được xác định phát triển theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Và trong số đó, khu Đông trong những năm gần đây được phát triển cực nhanh với sự đồng bộ về hạ tầng cao.

Tính đến thời điểm hiện tại các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa kết nối quan trọng từ khu vực trung tâm về quận 2, quận 9, Thủ Đức như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2 đều đã hoàn thiện, tạo bước đệm cho sự phát triển mạnh mẽ của khu Đông.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không chỉ vậy, với vị trí “cửa ngõ” này, chính quyền thành phố rất chú trọng đầu tư cho hạ tầng khu Đông khi triển khai hàng loạt các dự án giao thông có giá trị lớn như: dự án cầu Tăng Long - 450 tỷ đồng; cầu Ông Nhiêu (đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9) hơn 425 tỷ đồng; dự án 495 tỷ đồng xây cầu qua đảo Kim Cương (đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ, Quận 2); triển khai nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1 (838 tỷ đồng); dự án đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2; dự án đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây…

Mới đây, TP.HCM còn “mạnh tay” chi hơn 10.000 tỷ đồng để mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống (quận 2). Đồng thời, trong năm 2017 – 2018 thành phố lại đầu tư hơn 13.115 tỷ đồng để triển khai các dự án giao thông quan trọng thuộc tuyến đường Vành đai 2 dài 69km (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) nhằm kết nối toàn vùng của khu Đông - cầu vượt Gò Dưa (Quốc lộ 1, quận Thủ Đức), cầu vượt Bình Phước đến cầu Rạch Chiếc (quận 9) và cầu Phú Mỹ - nối từ quận 2 sang quận 7).

Theo các chuyên gia bất động sản, năm 2018 là một năm tăng trưởng vượt trội của bất động sản khu Đông đặc biệt là phân khúc căn hộ và đất nền, mà một trong những yếu tố tạo “sức bật” cho các phân khúc này phát triển chính là hạ tầng.

Ông Ngô Quang Phúc cho biết, thời điểm năm 2014, khi tuyến đường Phạm Văn Đồng hoàn thành và đi vào hoạt động, cũng là lúc các chủ đầu tư bắt tay vào cuộc khai phá thị trường dọc trục đường này bằng việc săn lùng quỹ đất. Công tác từ việc săn quỹ đất đến khi đầu tư dự án phải mất thời gian từ 1 - 2 năm, khiến thị trường quanh tuyến đường đẹp nhất Sài Gòn tới năm 2017 mới chính thức phát triển.

Cùng với hạ tầng, giá đất xung quanh tuyến đường này đang thấp hơn so với mặt bằng chung của khu Đông, các dự án cũng không nhiều như các vị trí khác của khu Đông, nên áp lực nguồn cung không lớn. Chính vì vậy, các chủ đầu tư đang tận dụng ưu thế này để phát triển dự án dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy, trong năm 2017, chỉ trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, nối 4 quận của TP.HCM đã có hơn 5.000 sản phẩm, gồm nhà phố lẫn chung cư đã được đưa ra thị trường.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, với tốc độ đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông bao quanh khu Đông (quận 2,9, Thủ Đức), từ đó kích thích hàng tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án khách sạn, trung tâm thương mại - văn phòng, các khu giải trí hiện đại tập trung tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì việc "bùng nổ" nguồn cung căn hộ xuanh quanh vùng là điều dễ hiểu. Trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường khu Đông, mà đặc biệt là khu vực quận 2, vùng giáp ranh với Thủ Thiêm tiếp tục đạt mức hấp thụ cao.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, hiện nay, bất động sản khu Đông đang hạn chế về quỹ đất, sự dịch chuyển cũng bắt đầu xuất hiện ở khu vực này khi dự án mới, cũng như sự quan tâm của khách hàng đã bắt đầu xuất hiện ở vị trí quanh đường Phạm Văn Đồng, thay vì khu Thủ Thiêm như những năm trước.

 

Theo Reatimes.vn