Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô, theo đó nhấn mạnh kinh tế tháng 10 tiếp tục phục hồi với một số điểm sáng như bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ hồi phục, vốn FDI thực hiện tăng cao, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP có thể chậm lại trong thời gian tới khi các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) có dấu hiệu suy yếu do các đơn hàng mới giảm.
Cụ thể, IIP tháng 10 tăng 3% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ năm trước. IIP tháng 10 phục hồi nhẹ ở một số nhóm sản phẩm chính như bia, ô tôsong tốc độ tăng đang giảm dần so với các tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do đơn hàng mới sụt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, bão số 6 ảnh hưởng hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng.
Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP tăng 9%. Ngành công nghiệp, chế biến tiếp tục đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số. Một số sản phẩm công nghiệp tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm trước như đồ uống, trang phục, da, gỗ và chế biến gỗ. Tuy nhiên, tình hình đơn đặt hàng mới ở các nhóm ngành này đang chậm lại dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong các tháng cuối năm.
Trong khi đó, PMI giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng gần đây. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn do nhu cầu giảm là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tổng thể của ngành sản xuất chậm lại.
"Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể gây ra nhiều thách thức trong thời gian tới", các chuyên gia tại đây cho biết.
Ngoài ra, áp lực lạm phát được kiểm soát các tháng gần đây nhờ giá xăng, dầu và giá thịt lợn sụt giảm cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng cung tiền đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, thể hiện dòng tiền đang đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền dư thừa đang bị thắt lại, giúp kiềm chế lạm phát. Khối phân tích dự báo lạm phát năm 2022 đạt khoảng 3%, nằm trong ngưỡng mục tiêu của Chính phủ.
Trong năm 2023, Agriseco kỳ vọng yếu tố đầu tư công sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu. Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng.
Áp lực lạm phát cũng có thể tăng cao trong năm 2023 khi sức cầu trong nước hồi phục hoàn toàn, trong khi từ phía nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí đẩy khi tỷ giá đang gặp áp lực và diễn biến bất thường từ giá hàng hóa cơ bản toàn cầu.
Nguồn: https://congly.vn/hai-chi-so-bao-hieu-gdp-co-the-cham-lai-thoi-gian-toi-218105.html