Hai cột khói của nhà máy xử lý rác thải xã Việt Hồng theo gió đẩy về 3 thôn của xã Cổ Dũng.
Nhà máy xử lý rác thải Việt Hồng nằm ở xã Việt Hồng, cuối huyện Thanh Hà nhưng người dân xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) lại hứng chịu mùi hôi thối vì nằm cuối chiều gió.
Xã Cổ Dũng và xã Việt Hồng là hai xã giáp ranh và chỉ cách nhau con sông Rạng. Từ trung tâm xã Cổ Dũng ra cụm công nghiệp nằm trên đất của xã Việt Hồng chừng 2km.
Trong đó, nhà máy xử lý rác thải nằm sát đê sông Rạng, là nơi tập trung rác thải sinh hoạt của thành phố Hải Dương. Rác được tập kết về đây chất thành núi trước khi xử lý.
Nhà máy này tiền thân là nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương, năm 2016, Công ty CP quản lý công trình đô thị Hải Dương tiếp nhận nhà máy cũ để xây dựng nhà máy xử lý rác thải mới.
Cứ mỗi buổi chiều về, người dân xã Cổ Dũng (huyện Kim Thành) lại bị ám ảnh bởi mùi hôi thối của nhà máy xử lý rác theo gió thổi về. Ông Nguyễn Danh Nho (thôn Đông, xã Cổ Dũng) nhà ngay sát quốc lộ 5A cho biết, cứ đến khoảng 5 giờ chiều, ông lại phải đi đóng hết cửa sổ, cửa chính tầng 2 và tầng 3, chỉ riêng cánh cửa duy nhất tầng 1 phải he hé. “Cứ tắt nắng là mùi hôi xộc thẳng vào trong nhà, chỉ cần chậm 10 phút là cả nhà bốc mùi nồng nặc”, ông Nho nói.
Không có cách nào để chống lại mùi hôi thối của nhà máy xử lý rác thải, đặng chẳng đừng, nhiều gia đình ở xã Cổ Dũng đã phải thay thế toàn bộ cửa gỗ trước đây bằng cửa kính để phần nào đó giảm đi mùi hôi thối. Khí thải trùm kín lên cuộc sống của người dân nơi đây trong những năm qua.
Nguồn nước đen kịt và ô nhiễm nặng.
Đáng ngại hơn là trong những năm gần đây, số lượng người dân xã Cổ Dũng (huyện Kim Thành) mắc bệnh ung thư gia tăng theo mỗi năm kể từ khi tổ hợp các nhà máy xử lý rác thải, sản xuất hạt nhựa… xuất hiện khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng.
Nhiều thanh niên trong độ tuổi 20 – 25 tuổi cũng mắc ung thư. Trong đó xuất hiện thêm nhiều trường hợp mắc những bệnh hiểm nghèo như ung thư hạch, gan, dạ dày…
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trạm trưởng trạm y tế xã Cổ Dũng cho biết, xã Cổ Dũng có 3 thôn với khoảng 7 vạn dân. Số người người mắc bệnh và điều trị ung thư ở Cổ Dũng luôn ở ngưỡng trên 30 bệnh nhân.
Mỗi năm, các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối qua đời lại tiếp tục có thêm bệnh nhân mới thay thế…
“Nguyên nhân do đâu, tôi không dám khẳng định. Nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng do vấn đề ô nhiễm môi trường, khói bụi, nguồn nước ngầm bị đầu độc”, ông Hùng chia sẻ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng, ông Nguyễn Danh Mậu cho biết xã cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân và đã báo cáo lên chính quyền cấp trên.
Còn người dân thì không khỏi lo lắng, nếu nhà máy xử lý rác Việt Hồng không khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm môi trường thì sẽ là nguồn cơn đầu độc nguồn nước, bầu không khí của các xã xung quanh thuộc hai huyện Kim Thành và Thanh Hà của tỉnh Hải Dương.