Theo Chương trình hành động số 41-Ctr/TU ngày 19/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu tổng quát tới năm 2030 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo quy hoạch, kế hoạch. Xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở, hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng của tỉnh.

Một số chỉ tiêu cụ thể là tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 45%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 44 đô thị, đến năm 2030 có 60 đô thị.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 44 đô thị, đến năm 2030 có 60 đô thị. Ảnh minh họa
Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 44 đô thị, đến năm 2030 có 60 đô thị. Ảnh minh họa

Về quy hoạch đô thị, đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt trên 60%.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thực hiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị; phát triển kinh tế, đổi mới cơ chế chính sách tài chính, đầu tư phát triển đô thị.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có có 15 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (TP Hải Dương), 1 đô thị loại III (TP Chí Linh), 1 đô thị loại IV (thị xã Kinh Môn), 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh mới đạt khoảng 32,8%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (khoảng 38%).

Trong thời gian qua, việc xây dựng, phát triển đô thị có những hạn chế là chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, nhiều đô thị còn nợ các tiêu chí khi thực hiện nâng cấp theo quy định. Quy hoạch, phát triển không gian ngầm chưa được quan tâm. Việc phát triển nhà ở chủ yếu vẫn theo tình trạng phân lô, bán nền, dẫn đến diện mạo, cảnh quan đô thị chưa đồng bộ, chắp vá. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-phan-dau-den-nam-2025-dat-tren-45-ty-le-do-thi-hoa-67314.html