Hầm Cù Mông trên QL1 nối Bình Định với Phú Yên. Ảnh: TL
 

Hoàn thành hầm Cù Mông, xóa điểm đen trên QL1

 Dự án hầm Cù Mông khởi công tháng 9/2015, điểm đầu tại km 1239+119 QL1 (Bình Định), điểm cuối tại km 1247+739 QL1 (Phú Yên). Tổng vốn đầu tư dự án gần 4.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BOT. Ngoài tuyến hầm dài 2,6 km còn có đường dẫn dài 4 km, đạt vận tốc thiết kế 80 km/h. Hầm chính gồm hai hầm đơn cách nhau khoảng 30m.

Giai đoạn một sẽ hoàn thiện trước một hầm để khai thác hai chiều; hầm còn lại chỉ đào thông và xây dựng kết cấu chống đỡ, được sử dụng như hầm lánh nạn. Theo Ban QLDA hầm Cù Mông, hiện khối lượng xây dựng hầm Cù Mông đạt 98%, đường dẫn phía Bắc và phía Nam đạt 95%, thiết bị trong hầm đã lắp đặt đạt 95%. Hầm Cù Mông sẽ được thông xe vào ngày 21/1/2019 và miễn phí cho các phương tiện lưu thông dịp Tết Nguyên đán.

Đèo Cù Mông nằm trên QL1A thuộc địa phận TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và một phần trên địa phận tỉnh Phú Yên, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam. Hầm Cù Mông hoàn thành được kỳ vọng xóa điểm đen tai nạn giao thông trên đèo này và rút ngắn quãng đường lưu thông giữa Bình Định và Phú Yên.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác thương mại trong đầu năm 2019. Ảnh: TL
 

Khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội dự kiến khai thác thương mại vào đầu năm 2019. Hiện dự án chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu hàng ngày từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa).

Các đoàn tàu chạy giãn cách 10-12 phút mỗi chuyến và sẽ đạt 5 phút mỗi chuyến khi khai thác thương mại. Hoạt động chạy thử, căn chỉnh các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, cung cấp điện nhằm xác định thông số kỹ thuật công trình trước khi nghiệm thu.

Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80m, sức chứa lên đến 1.000 hành khách. Khi vận hành, tàu chạy tốc độ trung bình 30-35 km mỗi giờ. Thời gian đi từ điểm đầu đến điểm cuối hết khoảng 30 phút. Khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành hơn 96%. Một số công trình như các nhà ga, khu bảo dưỡng (Depot) được lắp đạt khoảng 83% thiết bị.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành, đưa vào khai thác với 6 làn xe. Ảnh: TL
 

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ 6 làn xe, xóa ùn tắc cửa ngõ phía Nam Thủ đô

Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng.

Khởi công từ năm 2014, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe từ cuối năm 2015. Hiện giai đoạn 2 của dự án (mở rộng lên 6 làn xe) đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ hệ thống ATGT, đường gom và xử lý lún các vị trí đầu cầu, đầu cống.

Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến với quy mô 6 làn xe cao tốc trong đầu năm 2019, góp phần giải tỏa ách tắc cho tuyến đường cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Cầu Vàm Cống được Bộ GTVT dự kiến khánh thành vào tháng 7/2019. Ảnh: TL
 

Tháng 7/2019, hoàn thành cầu Vàm Cống

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), được khởi công vào tháng 9/2013, vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, hợp long ngày 29/9/2017. Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu.

Cầu được xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng chiều dài gần 3 km, chiều cao thông thuyền 37,5 m. Cầu được thiết kế dây văng hình quạt, gồm 114 dây bố trí trên 2 mặt phẳng xiên. Cầu dẫn phía Đồng Tháp gồm 28 nhịp, phía Cần Thơ có 25 nhịp.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 bị nứt.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long, tư vấn, nhà thầu thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định công trình. Công tác quan trắc, theo dõi tình trạng kỹ thuật của cầu (kích thước hình học của kết cấu dầm, trụ tháp và ứng suất dây văng) đã được tiến hành thực hiện thường xuyên, đến nay công trình vẫn đảm bảo trạng thái ổn định.

Vừa qua, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế hạng mục xử lý dầm ngang trên đỉnh trụ neo với thời gian thực hiện sửa chữa 7 tháng, hoàn thành sửa chữa các hạng mục còn lại của công trình trong tháng 3/2019.

Sau khi hoàn thành sẽ tiến hành kiểm định thử tải trong tháng 4/2019. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sẽ thực hiện công tác nghiệm thu, đưa công trình vào khai thác sử dụng, dự kiến khánh thành công trình vào đầu tháng 7/2019. 

Cao tốc Đà Nẵng được Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến từ tháng 9/2018. Ảnh: TL
 

Trước đó, thông tin từ Cục QLXD&CLCTGT, trong năm 2018, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 27 công trình, dự án giao thông với tổng mức đầu tư gần 70.000 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Trong số này có nhiều dự án lớn như: Cầu Cao Lãnh, đường Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, cầu Việt Trì - Ba Vì, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí,…

Bên cạnh các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư còn có nhiều công trình lớn khác do các địa phương làm chủ đầu tư hoặc là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, CHK Vân Đồn cũng được hoàn thành, đưa vào khai thác tạo ra bước đột phá lớn về hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.

Mai Nguyễn

Theo congluan.vn