Khốn khổ vì trạm trộn

Trong vai người cần mua bê tông tươi để đổ mái công trình xây dựng, chúng tôi có mặt tại trạm bê tông A&P thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Trạm có cổng ra, vào liền với đường gom đại lộ Thăng Long. Liền kề với trạm trộn này còn có hai trạm bê tông tươi của hai DN khác.

Khi biết chúng tôi có nhu cầu đổ bê tông cho công trình nhà ở tư nhân, Trung, nhân viên điều hành của trạm A&P đưa chúng tôi tới nơi tập kết vật liệu rộng mênh mông. Từ đây, cát, sỏi các loại sẽ được máy móc định lượng, phân loại, sau đó thông qua hệ thống băng chuyền để chạy tới bộ phận trộn xi măng cùng phụ gia và cuối cùng sản phẩm được xả xuống chiếc xe ô tô chuyên chở bê tông đợi sẵn ở phía dưới.

Để khách yên tâm, Trung giới thiệu: “Nếu dùng cho các công trình công cộng thì bọn em sẽ pha lẫn cát đen để giảm giá thành. Nhưng dùng cho nhà ở của tư nhân bao giờ Cty cũng sử dụng cát vàng, không pha tạp cát đen nên giá có đắt hơn. Nếu dùng cả phụ gia giúp bê tông nhanh đông, sau một tuần có thể đưa công trình vào hoạt động, giá sẽ là 950.000 đồng/m3. Tiền thuê thêm xe cần để hút và bơm bê tông từ xe chở là 3 triệu đồng/ca xe”.

Trung công nhận, đất đang đặt trạm không có giấy phép hoạt động, chính quyền xử lý lúc nào thì chấp nhận xử phạt lúc đó. Trụ sở chính của Cty nằm trong một quận nội thành Hà Nội. Ngày và đêm, hàng chục ô tô chở bê tông từ các trạm trộn này sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ giờ nào, miễn là có hợp đồng đặt hàng của khách. Bụi từ những công trình phủ kín quanh khu vực trạm, quanh nhà dân và cả con đường gom của đại lộ.

Liền kề với xã An Khánh là xã Lại Yên, nơi đây cũng xuất hiện nhiều trạm trộn bê tông, tập trung nhất ở cụm công nghiệp Lại Yên. Chỉ một đoạn đường ngắn chưa đầy 2km đã xuất hiện tới 5 trạm trộn. Xe chở bê tông của các DN này đậu cả ở hai bên lề đường. Có DN còn trang bị cho mình gần 20 xe chở bê tông các loại. Đây cũng là lý do vì sao đoạn đường này luôn lâm vào cảnh xuống cấp, bụi bẩn.

Chị Nguyễn Thị Thùy có căn hộ tầng 7 thuộc một chung cư nối liền với đường dẫn vào cụm công nghiệp Lại Yên được gần 3 năm. Chỉ tay về các ô cửa sổ, chị than thở: “Gần như nhà lúc nào cũng trong tình trạng phải đóng cửa vì sợ bụi đường, bụi xi măng… từ các trạm trộn xâm nhập. Mùa hè, nhiều lúc mở cửa ra để đón chút gió trời nhưng chỉ được vài tiếng tôi lại phải đóng cửa vì bụi bẩn tạt vào. Sợ nhất là lúc các trạm bê tông xả silô (xả đáy trạm trộn) vào các ngày hanh và nắng, bụi bay mù trời. Chỉ nhìn thôi cũng thấy tức ngực”.

hang loat tram tron be tong khong co giay phep xay dung van ton tai sau khi bi xu ly
Nhiều xe bồn chở bê tông đỗ dọc tuyến đường thuộc cụm công nghiệp Lại Yên. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều DN có trạm trộn bê tông. Ảnh: G.B

Trạm trộn vẫn tồn tại sau đợt ra quân

Thống kê của Phòng Tài nguyên và môi trường, huyện Hoài Đức cho thấy, hầu hết các trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Di Trạch, Lại Yên, An Khánh… đều vi phạm nghiêm trọng về xả thải và không có giấy phép xây dựng vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong quy hoạch của huyện không có trạm trộn bê tông nào. Hai bên đại lộ Thăng Long thuộc xã An Khánh, Kim Chung có tới 9 trạm trộn, gồm: Cty TNHH Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng An Phúc; Cty TNHH Việt Đức; Cty CP XD và KT An Bình; Cty CP ĐT Sông Đà - Việt Đức…

Tháng 4-2016, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập tổ công tác liên ngành rà soát, kiểm tra toàn bộ 25 trạm trộn bê tông trên địa bàn các xã An Khánh, Vân Côn, Lại Yên, Vân Canh, Kim Chung. Trong đó, chỉ có một trạm bê tông có giấy phép hoạt động, còn lại không có giấy phép xây dựng, không có đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép khai thác nước ngầm, giấy phép xả thải...

Một số đơn vị còn xây dựng trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp, như Cty CP bê tông và xây dựng An Khánh, Cty TNHH Linh Đan tại xã Song Phương bị tổ công tác lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Tổ công tác cũng kiến nghị UBND huyện tháo dỡ các trạm trộn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

hang loat tram tron be tong khong co giay phep xay dung van ton tai sau khi bi xu ly
Một trạm trộn bê tông nằm sát đường gom đại lộ Thăng Long. Ảnh: G.B

Những tưởng sau đợt ra quân này các trạm trộn sẽ bị ngừng hoạt động nhưng không phải vậy, sang tới năm 2017, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng Phòng TN&MT huyện vẫn tiếp tục khẳng định huyện sẽ xử nghiêm các trạm không phép. Bước sang năm 2018, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn huyện Hoài Đức có khoảng 25 trạm trộn bê tông tươi công suất lớn. Đương nhiên, những khu vực này không có quy hoạch làm vật liệu xây dựng nên tất cả các trạm trộn đều không có giấy phép xây dựng. Con số của thống kê này cũng đồng nghĩa với việc 25 trạm trộn sau khi bị UBND huyện Hoài Đức xử lý vẫn tồn tại và hoạt động, hoặc có thể trạm này bị xử lý, bị đình chỉ hoạt động thì trạm khác lại “mọc” lên và không hiểu sao vẫn trùng với con số 25 trạm?

Điều nghịch lý ở chỗ, đa số các trạm này đều thiếu giấy phép xây dựng nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động. Lạ hơn, có trạm giấy phép xây dựng chưa có nhưng DN vẫn có báo cáo đánh giá tác động môi trường!

UBND huyện Hoài Đức sẽ phải ra quân bao nhiêu lần nữa mới xử lý xong tình trạng trạm trộn bê tông hoạt động lộn xộn như này?

Gia Bảo

 

Theo phapluatxahoi.vn