Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thanh phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Sau mỗi gánh hàng rong là 1 gia đình

Xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới an ninh trật tự và an toàn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối, cấp bách của thành thị. Thêm vào đó, những mặt trái của hàng rong như rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm... khiến những gánh hàng rong trở thành "lạc nhịp" trong bức tranh tổng thể của đô thị hiện đại.

Thực tế, việc dẹp bỏ những quán xá vỉa hè, hàng rong là không khó, chỉ cần lực lượng chức năng ra quân liên tục và mạnh tay là được, nhưng nếu vậy kế sinh nhai của những gánh hàng rong khi đó biết đi đâu, về đâu? Gia đình họ sẽ phải sống ra sao lại là câu hỏi nhức nhối chưa có câu trả lời.

Với một số gia đình, việc kiếm sống trên vỉa hè dù không muốn nhưng cũng không thể không làm

Chị Vân (tên đã được thay đổi theo yêu cầu) - chủ của một gánh bún đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc cho biết đã cùng chồng bán bún đậu tại đây được vài năm, nhưng mỗi ngày cũng chỉ ngồi được đến 14h chiều là phải dọn đi, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và các cháu học sinh khi đến giờ tan học.

Ngày xưa nhà nghèo, làm gì có được học hành đến nơi đến chốn. Trước chị cũng làm công nhân, rồi lấy chồng, có con. Nhưng cuộc sống ở quê vất vả lắm mà chỉ đủ ăn, chứ không có tiền cho con đi học. Thế là cả nhà dắt díu nhau ra Hà Nội, thuê trọ ở khu Phùng Khoang vì nó rẻ, sáng đến trưa thì bán bún đậu, chiều thì chồng chạy Grab kiếm thêm thu nhập, cũng đủ để trang trải cuộc sống và cho con ăn học”, chị Vân cười nói.

Gia cảnh chị Vân không phải là hiếm hoi, khi mà những người dân nghèo vẫn kéo tới thủ đô với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng theo lời chị, mỗi ngày trừ đi các loại chi phí thì gia đình thu được 200.000 đến 400.000 đồng, mỗi tháng cả nhà cũng được khoảng chục triệu, nhưng tiền bạc đa phần để lo cho con cái ăn học, số tiền còn lại chị gửi ông bà ở quê giữ hộ hoặc gửi ngân hàng để dành lúc ốm đau.

Rất khó để biết ai mới là người thực sự mưu sinh bằng kinh doanh trên vỉa hè

Đại dịch Covid-19 quay trở lại đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống gia đình chị Vân, “Trước khi dịch một ngày có khi làm hết cả trăm bìa đậu, mà sau dịch người ta cũng ít ra hơn, giờ cao nhất cũng chỉ bảy, tám chục bìa. Chỉ sợ đợt dịch Covid lần này lại phải giãn cách xã hội. Lúc ấy chỉ còn nước về quê mà ở cho đỡ chi phí. Bày bán ở vỉa hè thế này, không chỉ phải lo bị các anh công an phường đuổi đi thì giờ còn phải lo chống bệnh dịch, chỉ mong con cái sau này nên người, thành đạt không phải sống khổ sở như bố mẹ", chị Vân chia sẻ.

Kinh doanh một đồng vốn, mấy chục đồng lời

Nếu có thể “thông cảm” cho việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh như những kiếp người mưu sinh từng đồng như gia đình chị Vân, thì mặt khác, vẫn tồn tại những hàng, quán mỗi ngày thu về số tiền lãi gấp cả chục lần vốn nhưng vẫn ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh.

Chỉ cần có địa thế đẹp, một gian hàng bánh khoai, bánh chuối cũng có thể kiếm được cả triệu đồng tiền lời mỗi ngày.

Chị Minh, mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ kiêm trà đá vỉa hè tại Hà Đông cho hay, mỗi cốc trà đá chị bán với giá 4.000 đồng, tiền vốn bỏ ra là 300.000 đồng/cân chè loại ngon và thêm ít đá. Chị thường mở hàng từ 07 giờ sáng đến đêm muộn, miễn là vẫn có khách. Trung bình mỗi ngày chị bán gần 100 cốc, tính ra mỗi ngày thu về khoảng 400.000 đồng chưa kể những món khác.

Kinh doanh nước giải khát mùa hè có thể kiếm về thu nhập "khủng" nếu có vị trí đắc địa

Nếu so sánh với một quán cà phê sang trọng bán 40.000 - 50.000 đồng/một cốc nước nhưng phải trả vô vàn các loại chi phí như tiền thuê nhân viên, thuê mặt bằng, sửa sang cơ sở vật chất, đầu tư máy móc pha chế... thì thu nhập của một quán trà đá có lẽ còn nhiều hơn.

Còn đối với của hàng nước mía, có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/cốc vào những ngày hè nóng bức thì thu nhập còn cao hơn khi trung bình một ngày có thể tiêu thụ được khoảng 30 lít đến 50 lít nước mía. Những ngày nóng đỉnh điểm thì có thể bán đến cả 100 lít nước mía và thu nhập vài triệu đồng là chuyện hoàn toàn bình thường.

Cần sớm đưa ra giải pháp

Trong đô thị hiện đại, sớm hay muộn thì hình thức hàng rong kiểu cũ cũng sẽ không còn phù hợp và bị đào thải khi mức thu nhập của người dân cao hơn kéo theo nhu cầu cuộc sống được nâng cấp. Tuy nhiên, việc giải quyết bài toán thu nhập cho những người dân đang sinh sống dựa vào vỉa hè là điều trăn trở với các cơ quan chức năng.

Một số giải pháp có tính khả thi có thể kể đến như: Quy hoạch những tuyến đường được phép bán hàng rong đồng thời đảm bảo cho việc lưu thông được thông suốt; Tiến hành đăng ký kinh doanh (hình thức kinh doanh phù hợp) để đóng thuế xây dựng đất nước; Đào tạo qua các lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp giấy chứng nhận (có thể miễn phí); Yêu cầu cam kết chặt chẽ việc chấp hành nghiêm chỉnh việc buôn bán lấn diện tích, xả nước, xả rác (nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, nhiều lần (3 lần trở lên) sẽ tước giấy phép)...

Cần sớm đưa ra giải pháp phù hợp, đảm bảo thu nhập cho người bán hàng rong và cả trật tự đô thị

Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ người buôn bán bằng quầy hàng ban đầu nhằm tránh việc người dân tự đóng quầy hàng có kích thước quá khổ, chiếm diện tích quá nhiều, trích thuế thu được để bù chi cho quầy hàng. Đồng thời, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, ưu tiên người dân địa phương, vừa tạo công ăn việc làm, vừa thực hiện xóa đói giảm nghèo, vừa tạo môi trường kinh doanh công bằng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo TS. Ánh Hồng, chuyện lấn chiếm vỉa hè là do ý thức chấp hành luật pháp của người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Không thể ngụy biện vì mưu sinh, do hoàn cảnh khó khăn mà những người này lại có thể "cưỡng đoạt" vỉa hè và đẩy những người đi bộ xuống lòng đường, gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng chia sẻ: “Về chuyện lấy lại vỉa hè, một số người có thể bị ảnh hưởng trước mắt, nhưng cá nhân mỗi người sẽ tự nhận thấy rằng, khi tham gia giao thông, bản thân đi lại thuận tiện hơn, họ sẽ tự hiểu ra và điều chỉnh hành vi của mình. Điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của nhân dân trước một chủ trương để nhận được sự đồng tình, ủng hộ và mọi việc đều phải hướng đến cuộc sống tốt nhất cho người dân”.

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới