Thời gian gần đây, nhãn hàng gia dụng VnTech được khá nhiều người biết đến qua những quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như mạng xã hội. Tự nhận là “Thương hiệu gia dụng – điện gia dụng cao cấp Việt nam” với hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam nhưng sự thật liệu có đúng như vậy?

Giá rẻ “bất ngờ”?

Với thương hiệu VnTech, nhiều mặt hàng Trung Quốc đã được hoá phép thành hàng Việt để lừa đảo người tiêu dùng?

Với thương hiệu VnTech, nhiều mặt hàng Trung Quốc đã được hoá phép thành hàng Việt để lừa đảo người tiêu dùng?

Phản ánh tới Ngày Nay, chị H (trú tại phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội) trong tâm trạng vô cùng bức xúc cho biết: “Tôi đã xem rất nhiều quảng cáo của VnTech và thật sự bị thu hút vì mức giá hấp dẫn của những mặt hàng gia dụng của vnTech, và càng cảm thấy tin tưởng hơn khi họ quảng cáo rằng những mặt hàng gia dụng của mình là hàng Việt, sản xuất tại Việt Nam.

Và tôi đã mua một số sản phẩm của VnTech, nhưng sau khi mua về, tôi phát hiện ra có sự bất hợp lý khi sản phẩm của VnTech không khác gì những sản phẩm của Trung Quốc được bán đầy trên mạng cũng như ở chợ, nhưng mức giá thì rẻ hơn gần một nửa. Như thế này có khác gì là lừa đảo không, thực sự quá đáng vô cùng”.

Theo chị H chia sẻ, sau khi liên hệ tới số điện thoại hotline của VNTech - 02466831831, chị H đã đến văn phòng giao dịch của nhãn hàng này tại địa chỉ số 10 Lê Quang Đạo, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để lựa chọn và mua hàng. 

Ngay cả trên website chính thức của VnTech, các quảng cáo kiểu cắt ghép vụng về, lộ liễu vẫn hiển hiện. Bằng mắt thường có thể thấy những sản phẩm này chẳng khác gì hàng Tàu bán ngoài chợ

Ngay cả trên website chính thức của VnTech, các quảng cáo kiểu cắt ghép vụng về, lộ liễu vẫn hiển hiện. Bằng mắt thường có thể thấy những sản phẩm này chẳng khác gì hàng Tàu bán ngoài chợ

Tại đây, ngoài những sản phẩm đã mua, chị H cũng chú ý tới một sản phẩm rất tiện ích với mẫu mã đẹp mắt và phù hợp với trẻ nhỏ. Giá của sản phẩm này được VnTech bán ra là 220.000đ. Nhưng chị lăn tăn không mua vì cảm thấy mẫu mã của sản phẩm này khá quen thuộc mà chị đã từng nhìn thấy rất nhiều lần trên các trang Facebook bán hàng gia dụng Trung Quốc giá rẻ cũng như tại các cửa hàng bán đồ gia dụng ở các chợ…

Giới thiệu về sản phẩm này, nhân viên của VnTech khẳng định với chị H rằng tất cả sản phẩm tại đây đều được sản xuất tại nhà máy của VnTech, là hàng tiêu dùng của Việt Nam nên chị hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng.

Mặc dù chị H mua hàng văn phòng giao dịch số 10 Lê Quang Đạo nhưng thực tế hoá đơn chị nhận được lại là hoá đơn của Hợp tác xã Dịch Vụ Thương mại Công Hoan có địa chỉ tại Đại Cương - Kim Bảng - Hà Nam!?

VnTech là hàng “Tàu”?

Chị H cũng cho biết thêm, sau khi mua hàng của VnTech, những ngày sau đó, chị vẫn cảm thấy vô cùng thắc mắc về sự giống nhau đến “kỳ lạ” của sản phẩm VnTech với hàng “Tàu”.

Vô tình, chị H có việc đi qua phố Hàng Khoai, Hà Nội - con phố chuyên bán đồ gia dụng với mặt hàng đa dạng cả về mẫu mã lẫn nguồn gốc xuất xứ. Chị H thấy tại nhiều cửa hàng trên phố này có bày bán sản phẩm máy phun sương hình thú rất giống với sản phẩm chị đã thấy tại văn phòng của VnTech. 

Hỏi mua sản phẩm, chị được người bán cho biết đây là loại máy phun sương hình thú do Trung Quốc sản xuất, và dù đã bán hàng gia dụng rất nhiều năm nhưng chưa bao giờ họ nhìn thấy hay bán sản phẩm mẫu mã như thế này mà lại được sản xuất tại Việt Nam cả. “Chắc là hàng Tàu đội lốt thôi chứ làm gì có chuyện cái này sản xuất ở Việt Nam” - người bán cho biết.

Mua sản phẩm của Trung Quốc với giá 120.000đ, chị H xem xét rất kỹ và tiến hành so sánh với sản phẩm của VnTech. Chị H không thể nhận ra có điểm nào khác nhau giữa hai sản phẩm này dù là nhỏ nhất. Chị H cho rằng điều khác biệt duy nhất chỉ là logo của hai sản phẩm.

Trong khi logo của sản phẩm Trung Quốc là “MagicBullet” - nhái theo thương hiệu hàng gia dụng hàng đầu của Mỹ; thì sản phẩm kia có in logo VnTech. Điểm chung của hai logo này đó là đều rất nhoè nhoẹt, thậm chí còn bị in lệch cũng như rất sơ sài và màu mực dễ bong tróc. 

Tìm hiểu trên mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến, chị H thấy sản phẩm này được bán tràn lan, với nhiều logo nhái theo các thương hiệu khác nhau, trong đó có cả sản phẩm trắng trơn không có logo và có giá thành chỉ từ 90.000đ – 150.000đ…

Điều bất ngờ rằng, qua những tìm hiểu này, chị H còn nhận thấy rằng, hình ảnh quảng cáo về sản phẩm trên Website www.vntech.net.vn của VnTech còn có dấu hiệu bị cắt ghép. Trong đó, dễ dàng nhận thấy logo của VnTech được gắn vào hình ảnh những sản phẩm này bằng các kỹ thuật ghép ảnh một cách “trơ trẽn”!?

Đặc biệt hơn, hình ảnh quảng cáo về sản phẩm máy sấy quần áo được VnTech quảng cáo trên Catalogue cũng như trên Website bán hàng lại chính là hình ảnh của sản phẩm máy sấy quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan trên mạng với giá chỉ bằng một nửa. Hình ảnh này cũng có dấu hiệu bị cắt ghép, thay logo thành VnTech bằng kỹ thuật chỉnh sửa ảnh, với dụng ý đánh lừa người mua.

Bức xúc và phẫn nộ, đó là những cảm xúc hoàn toàn dễ hiểu của chị H khi nghi ngờ việc mình đã đặt niềm tin không đúng chỗ. Tâm lý “người Việt dùng hàng Việt” cũng như lòng tự tôn dân tộc bấy lâu nay của chị H cũng như nhiều khách hàng Việt khác dường như đã và đang bị lợi dụng.

Sau biến cố Khaisilk, sự gian dối này của VnTech lại khiến dư luận dấy lên câu hỏi, liệu đến bao giờ những người tiêu dùng yêu chuộng hàng Việt Nam mới thực sự được mua và sử dụng những sản phẩm “của người Việt”?

Theo ngaynay.vn