Vay và cho vay là hoạt động bình thường, không bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, thời gian gần đây hiện tượng cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến và để lại nhiều hậu quả xấu. Khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về mức lãi suất như sau: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". Theo đó, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi".

Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.

Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay nặng lãi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay nặng lãi như sau:

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.

Ví dụ: Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cao nhất đối với cho vay tiền Việt Nam (đồng) kỳ hạn 3 tháng là 1%/tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 1,5%/tháng thì hành vi cho vay tiền (VN Đồng) kỳ hạn 3 tháng với mức lãi trên 15%/tháng (gấp từ 10 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép trở lên) sẽ bị coi là cho vay lãi nặng.

Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Trên đây là quy định của pháp luật về cho vay nặng lãi và tội cho vay nặng lãi.

Trong trường hợp người cho vay nặng lãi, sau đó có hành vi dùng thủ đoạn ép buộc người vay tiền phải gán tài sản thì tùy theo từng trường hợp, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 135 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản có khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm tù, tùy theo mức độ của hành vi vi phạm./.

Nhật Linh / Theo Ngày nay Online