Hiểm họa từ chợ cóc, chợ tạm
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần yêu cầu chính quyền các huyện, thị, thành phố khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong khi một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc, triển khai quyết liệt nhằm xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm để phòng, chống dịch Covid-19, thì còn nhiều địa phương lơ là chấp hành các quy định, chủ quan và chưa nghiêm túc thực hiện.
Tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm vô tư bày bán các mặt hàng từ hoa, quả, thịt, cá diễn ra hàng ngày tại nhiều tuyến đường quốc lộ, ven các khu công nghiệp, tại các làng quê từ nhiều năm nay khiến cho những khu vực này trở nên nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, chật chội. Đặc biệt, một số chợ tạm, chợ "cóc" thản nhiên bày bán xuống lòng đường quốc lộ bất chấp hiểm họa những vụ tai nạn nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra.
Từ khi dịch bệnh Covid- 19 lần thứ 4 bùng phát trở lại với nhiều ổ dịch, đa nguồn lây và biến chủng phức tạp, trong gần 2 tháng, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận hàng trăm ca mắc mới tại nhiều địa phương như: TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên định, Nghi Sơn,…Các địa phương đã ban hành các quyết định phòng chống dịch bệnh như thực hiện chỉ thị 15, 16 của TT Chính Phủ, đồng thời, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện, thị và cấp xã cũng liên tục ra quân dẹp bỏ nhiều chợ “cóc”, chợ tạm, góp phần tránh lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiềm chế, chính quyền ban hành các quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì chợ "cóc", chợ tạm lại xuất hiện trở lại dẫn đến tình trạng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.
Điển hình như: Tại một số tuyến phố như Phan Bội Châu, chợ tự phát tại khu công nghiệp Hoằng Long, hay như chợ cóc tại xã Quảng Minh, Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn), cá biệt tại nhiều địa phương như chợ cóc trên đê biển xã Minh Lộc, chợ tự phát tại xã Hòa Lộc,...dù bị chính quyền các cấp ra quân xử lý, xóa bỏ nhưng sau một thời gian thì tình trạng họp chợ lại diễn ra, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khó kiểm soát.
Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên cho thấy đó là xuất phát từ chính nhu cầu và ý thức của cả người mua lẫn người bán. Đặc biệt như chợ "cóc" tự phát tại xã Hòa Lộc.
Được biết, ngày 12/11/2019, UBND huyện Hậu Lộc đã có Công văn số 1381/UBND- KTHT về loại bỏ chợ dân sinh Hòa lộc ra khỏi quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, yêu cầu UBND xã Hòa Lộc, Ban Quản lý chợ dân sinh Hòa Lộc, Ban Quản lý chợ cá 30/4 mới phối hợp tiến hành việc xóa bỏ chợ dân sinh, di chuyển hoạt động buôn bán, kinh doanh về chợ cá 30/4.
Dù chợ mới xây dựng khang trang, đảm bảo an toàn vệ sinh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn giao thông và được chủ đầu tư chợ cá 30/4 khuyến khích tiểu thương vào chợ buôn bán bằng các chính sách khuyến mãi, hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí thuê quầy hàng trong chợ,… Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nên nhiều tiểu thương vẫn không vào chợ mới để buôn bán.
Ghi nhận tại chợ “cóc” tự phát tại xã Hòa Lộc cho thấy vào mỗi buổi sáng tại khu vực ngã tư có hàng chục người dân tập trung buôn bán, từ hoa quả, rau củ, thịt, cá, quần áo, đồ gia dụng,…trên đoạn đường thôn rộng chỉ 3 - 4m, đa số hàng hóa ở đây được bày bán la liệt trên vỉa hè, dưới lòng đường gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và khó khăn cho phụ huynh, học sinh đến trường.
Không chỉ gây mất an toàn giao thông, chợ tạm, chợ “cóc” này còn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
Trong lúc dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp như hiện nay, tại nhưng điểm chợ tự phát này thường không có chốt kiểm soát dịch bệnh, nhiều người chưa ý thức được việc đeo khẩu trang, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tập trung đông người, không giữ khoảng cách an toàn... thì nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19 là vô cùng lớn.
Cần kiên quyết dẹp chợ cóc, xóa chợ tạm
Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Hán, chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm tại địa bàn rất khó khăn, một phần là do những tiểu thương ở chợ cũ vì quyền lợi cá nhân đã lôi kéo, dụ dỗ những tiểu thương khác không vào buôn bán ở chợ mới mà vẫn tụ tập, buôn bán tại khu chợ cũ của địa phương.
Việc các hộ gia đình này tập trung buôn bán, bày hàng hóa la liệt xuống lòng đường, vỉa hè gây nên tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần kết hợp các ban ngành đoàn thể, công an tuyên truyền, xử lý các hộ dân buôn bán tại đây. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đi khỏi thì những hộ gia đình này lại tiếp tục đem hàng hóa ra bày bán khiến cho việc xử lý chưa được dứt điểm”.
“Quan điểm của UBND xã Hòa Lộc là kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng người dân họp chợ “cóc”, chợ tạm trên địa bàn trong thời gian sớm nhất. Nếu hộ gia đình nào không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì kiên quyết xử phạt, thu hồi sản phẩm”. ông Hán cho biết thêm.
Như vậy, đối với những khu chợ “cóc”, chợ tạm là những địa điểm kinh doanh tự phát, địa điểm người dân tự lập ra và mang hàng hóa đến buôn bán, không nằm trong quy hoạch cũng như không được cơ quan tổ chức nào thành lập và cũng không ai cho phép người dân đến đó buôn bán hàng hóa đã gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch của cơ quan nhà nước, tập trung đông người, không giữ khoảng cách an toàn tại những địa điểm này còn dẫn đến nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19.
Để khắc phục tình trạng này cần có những chế tài xử lý cụ thể kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục. Đối với việc tập trung buôn bán ở các chợ “cóc”, chợ tạm là hành vi tập trung đông người vi phạm biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh thì có thể căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế xử lý những người có hành vi tập trung quá 5 người khi không được phép, không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không giữ khoảng cách tối thiểu 2m có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 3 triệu đồng.
Hoặc người nào mắc bệnh mà vẫn đến những khu chợ “cóc”, chợ tạm làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất cho người phạm tội này là phạt tù 12 năm.
Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm mọc lên trái phép như trên một phần do sự quản lý thiếu chặt chẽ từ chính quyền cấp phường, xã, cán bộ cơ sở vẫn chưa quyết liệt trong việc phát hiện xử lý vi phạm.
Dư luận cho rằng, để chấm dứt chợ “cóc”, chợ tạm thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực hơn nữa của các lực lượng, các cấp, các ngành cũng như ý thức của từng người dân. Tăng cường truyền thông, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để tái lập các chợ “cóc”, chợ tạm, các tụ điểm buôn bán đã được giải tán.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần có thái độ và hành động cương quyết xử lý, việc kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, quyết liệt tránh biểu hiện xử lý thiếu nghiêm túc, xử lý theo kiểu cho có.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hau-loc-thanh-hoa-hiem-hoa-kho-luong-tu-cho-coc-cho-tam-20201231000003700.html