Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng; cho vay mới hơn 275 tỷ đồng. Trước đó, tháng 3, NHNN đã có văn bản số 1901/NHNN-TD yêu cầu các TCTD và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả |
Ông Hùng cũng cho biết thêm, từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo, ngành chăn nuôi lợn do dịch bệnh, ngành tiêu..., như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nâng hạn mức cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, thu gốc trước lãi sau; tiếp tục cho vay mới phục vụ sản xuất, chuyển đổi cây trồng...
Chiều 13/6 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị khẩn với các doanh nghiệp để thông báo tình hình dịch tả lợn châu Phi và đề nghị triển khai các giải pháp cấp bách về cung ứng, dự trữ thịt lợn cho thị trường thực phẩm.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia ở cả 5 châu lục và các nước đã buộc phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn với tổn thất hàng chục tỷ USD.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 12/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến thời điểm này, đáng mừng là các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn về cơ bản vẫn giữ được đàn lợn hạt nhân, đàn heo giống. Đây là tài sản, nguồn nguyên liệu quý báu để tái đàn khi điều kiện thuận lợi đến.
Nguồn: https://tbck.vn/ho-tro-hon-350-ty-dong-cho-nguoi-chan-nuoi-bi-dich-ta-lon-chau-phi-39321.html