Theo đó, hội nhập quốc tế thuộc lĩnh vực ngân hàng được xem là nền tảng giúp thu hút dòng vốn nước ngoài lớn vào nền kinh tế, cũng như vào các tổ chức tín dụng ngân hàng. Tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn có chi phí thấp trên thế giới. Quá trình hội nhập quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, học hỏi kiến thức, kĩ năng của các quốc gia tiến bộ vào công cuộc phát triển đất nước bằng việc tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở đó thì việc các ngân hàng cần chủ động thích ứng và mạnh dạn thay đổi nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng và hiệu quả hơn, góp phần đưa ngành Ngân hàng phát triển bền vững. Đồng thời nhanh chóng khắc phục những khó khăn thách thức, rào cản tồn tại.
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng - Nhiều “nhà băng” đã triển khai từ sớm
Tại Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016, về việc phê duyệt chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định nêu rõ: “Triển khai các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước, góp phần huy động nguồn lực tài chính và củng cố hệ thống tài chính-tiền tệ trong nước vững mạnh, có khả năng chống đỡ các tác động từ bên ngoài”.
Trong đó, “Tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng theo lộ trình và bước đi phù hợp với khả năng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng và khả năng quản lý, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài thông qua các trao đổi hợp tác song phương, đa phương; Đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực dưới hình thức hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, tư vấn chính sách, hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực từ các đối tác song phương, đa phương để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ ngành tài chính - ngân hàng. Tiếp tục thiết lập và củng cố các cơ chế đối thoại song phương về lĩnh vực ngân hàng, tài chính với các đối tác chiến lược và đối tác quan trọng khác; chủ động và tích cực tham gia các hoạt động nhằm tăng cường tiếng nói và vị thế của Việt Nam tại các định chế kinh tế, tài chính-tiền tệ khu vực và quốc tế,…”.
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng sẽ là một nền tảng cần thiết trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Vietcombank, BIDV,… đã tập trung triển khai thực hiện từ sớm.
Cụ thể, tại ngân hàng Agribank đã có những phương hướng, giải pháp có hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Có thể kể đến đó là việc thực hiện tái cơ cấu và chuẩn bị cổ phần hóa từ năm 2013; Đang từng bước hướng tới khẳng định thương hiệu quốc tế thông qua hoạt động hợp tác quốc tế và thanh toán quốc tế. Agribank xác định yếu tố công nghệ thông tin là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, là nền tảng cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để Agribank phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 – 2025, Agribank đã và đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại cổ phần, quản trị điều hành và hoạt động theo hướng thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.
Chỉ tính riêng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), trong hai quý đầu năm 2022 đã nhận được khoản vay hợp vốn quy mô 700 triệu USD kèm quyền chọn gia tăng thêm 300 triệu USD đến từ 26 ngân hàng quốc tế - khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại thời điểm này ở Việt Nam.
Nhiều ngân hàng nắm bắt từ rất sớm các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế. Điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã hợp tác với Opportunity Network cung ứng dịch vụ kết nối 28.000 doanh nghiệp ở hơn 120 quốc gia từ năm 2018 để tìm kiếm đối tác mua, bán hàng hóa, huy động vốn và mở rộng thị trường; hợp tác cùng Amazon từ năm 2021 cung cấp dịch vụ ngân hàng số trên điện toán đám mây; trở thành đối tác lớn và uy tín của nhiều tổ chức trong và ngoài nước trên lĩnh vực mua bán ngoại hối... Qua đó, nhờ vào sự hợp tác này đã giúp cho các giao dịch tài chính, thanh toán của khách hàng được thực hiện dễ dàng hơn, đảm bảo tính an toàn, minh bạch và nâng cao việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh đó, thông qua sự hợp tác quốc tế đã giúp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành 5 loại thẻ quốc tế American Express, Visa, Mastercard, JCB, UnionPay từ năm 1990.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thì quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thâm nhập vào thị trường quốc tế, cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh. Có thể kể đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 6 dự án đầu tư tại nước ngoài có thể kể đến như dự án: Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Lào, Công ty Bảo hiểm Lào Việt (LVT), Văn phòng đại diện tại Đài Loan (Trung Quốc)...
Qua đó có thể thấy được sự cần thiết và xu hướng tất yếu của ngành Ngân hàng là hội nhập quốc tế, cũng như những lợi ích và thành tựu đáng kể thông qua quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam mà ngành Ngân hàng đã đạt được.
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng “cơ hội và thách thức”
Mở rộng thị trường hợp tác đầu tư phát triển, tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó rủi ro, tạo động lực cho sự phát triển... là một trong những lợi ích từ việc ngân hàng mở rộng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN), việc tham gia vào các mạng lưới quốc tế sẽ rất hữu ích đối với các ngân hàng thương mại trong nước. Đây là cầu nối quan trọng cho các ngân hàng trong nước mở rộng cơ hội hợp tác, tiếp cận các thông tin, kiến thức, sản phẩm mới.
Giới chuyên gia cũng đánh giá ngành Ngân hàng đã chủ động tiếp cận các nguyên tắc, chuẩn mực cao nhất của hệ thống tài chính toàn cầu, góp phần đẩy nhanh việc hội nhập quốc tế của hệ thống tài chính - ngân hàng trong nước; góp phần đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả, vững mạnh và nâng dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế trong thời gian qua cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành Ngân hàng như tạo ra sự cạnh tranh về thị phần giữa các ngân hàng sẽ ngày càng khốc liệt; khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng, am hiểu pháp luật quốc tế của mỗi ngân hàng cũng đòi hỏi cao hơn.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, tình hình địa chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi những tác động. Điều này đòi hỏi mỗi ngân hàng phải có cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý vững vàng, có phương án phòng ngừa và quản trị rủi ro tốt hơn để chống đỡ kịp thời, hiệu quả trước khủng hoảng kinh tế bất ngờ xảy đến.
Theo đó, Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) đã đặt ra mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân hàng; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả, triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế, tích cực tham gia đóng góp định hình các thể chế đa phương và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tìm phương án hợp tác cùng phát triển.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai một cách linh hoạt và chuyên nghiệp các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân hàng; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu; tích cực tham gia đóng góp vào quá trình định hình và phát triển các thể chế đa phương; không ngừng nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam nói chung và Ngân hàng nhà nước nói riêng tại các tổ chức tài chính, tiền tệ, ngân hàng quốc tế; tăng cường công tác hội nhập, hợp tác trên các diễn đàn tài chính - ngân hàng tại khu vực và thế giới./.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/hoi-nhap-co-hoi-chuyen-minh-cho-nganh-ngan-hang-110581.html