Tràn lan hồng Trung Quốc giá rẻ
Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII (Lào Cai), hồng Trung Quốc đang vào vụ, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10.
Vài tháng gần đây, lượng hồng nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai tăng đột biến. Theo số liệu từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII, con số này vào tháng 7 là 5 tấn, tháng 8 là 920 tấn và tháng 9 lên đến 1.932 tấn.
Trong khi cùng kỳ năm trước, lượng hồng Trung Quốc nhập sang Việt Nam rất ít, dao động 194-821 tấn, riêng tháng 7 không có.
Với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, hồng giòn, hồng đỏ Trung Quốc đang thống lĩnh tại các chợ trên địa bàn TP.HCM. Các loại hồng này đều được gắn mác hồng Đà Lạt hay hồng Hà Nội để bán cho người tiêu dùng.
Do đang vào chính vụ, tại chợ đầu mối Bình Điền giá hồng giòn Trung Quốc bán thùng ở mức 15.000 - 17.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết hồng giòn đang về nhiều, mỗi đêm có sạp bán 200 - 300 thùng loại 12kg.
Ra tới chợ lẻ, loại hồng này được nâng giá lên gấp đôi và được một số tiểu thương dán mác mới: hồng Đà Lạt. Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), hồng không chỉ bán trong các sạp, ngoài các xe đẩy, bán lề đường cũng có rất nhiều, giá hồng giòn trải đều từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy sạp.
Nguy cơ xóa sổ đặc sản
Vào thời hoàng kim, diện tích hồng tại Đà Lạt lên đến hàng ngàn hecta. Nhưng theo Chi cục Thống kê TP Đà Lạt, hiện diện tích đặc sản này chỉ còn khoảng 300 ha (sản lượng khoảng 4.592 tấn), chỉ bằng 10% so với 10 năm trước.
Đáng lo ngại hơn là diện tích cây đặc sản này đang tiếp tục sụt giảm rất nhanh, do nhiều người chặt bỏ để chuyển sang các loài cây khác như cà phê, hoa.
“Trái hồng là đặc sản có tiếng của vùng có khí hậu đặc biệt như Đà Lạt nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy chế biến để xuất khẩu. Những lò sấy hồng tại Đà Lạt thì quy mô nhỏ, thủ công kiểu hộ gia đình nên khâu chế biến hồng khô chỉ đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Điều này giải thích vì sao cứ vào vụ thu hoạch rộ hồng thường ế ẩm và rớt giá…” - ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt, nêu thực trạng.
Để cứu loại đặc sản này, UBND TP Đà Lạt cũng đã xây dựng đề án “Xử lý hồng sấy khô theo chuẩn Nhật” với mục tiêu xuất khẩu trái cây này sang các nước. Tuy nhiên, với việc nông dân ồ ạt chặt bỏ cây hồng thì đến lúc đề án trở thành hiện thực, không biết có còn hồng để sấy khô hay không!?
Phân biệt hồng Đà Lạt và hồng Trung Quốc
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII cho biết, phân biệt hồng trong nước và Trung Quốc rất khó. Bởi hồng Trung Quốc khá phong phú về chủng loại cũng như màu sắc, kích cỡ.
Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hư rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc mua về cả tuần vẫn không bị hư, thậm chí để rất lâu vẫn không chín.
Về màu sắc: hồng Trung Quốc đều có vỏ sẫm, bóng, màu sắc đẹp và to hơn hẳn so với hàng trong nước. Loại hồng này ngọt nhưng không thơm, hơi khô và không mọng nước. Còn hồng trứng Đà Lạt chính gốc phải có màu vàng cam, ăn vào có vị ngọt béo, ăn rất dẻo và thơm.
Hình dạng: Nếu như quả hồng Việt Nam có hình dạng tròn, dẹt trơn giống trứng gà, phần cuống có nhiều đốm đen, không có rãnh và vỏ có màu nhạt, có vết thâm, không đều màu thì quả hồng Trung Quốc lại tròn đều, to dẹt hơi vuông, có khía.
Vỏ: Hồng Trung Quốc có vỏ bóng, đẹp, có màu đỏ cam tươi, màu đậm và trên vỏ thường không có vết xước.
Kích thước: hồng Trung Quốc đều có kích thước đều nhau nhưng to hơn hồng Đà Lạt.
Hồng Việt Nam thường xấu mã, núm quả có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi bị cứng, sắc đỏ không đậm như hồng Trung Quốc mà thường là đỏ hơi vàng, đỏ nhạt. Trong khi đó, hồng Trung Quốc lại có vỏ rất bóng, căng mịn rất đẹp.
Ngoài ra, hồng Trung Quốc bị tiêm hóa chất vào thẳng cuống nên trái hồng sẽ bị thối từ cuống tới trái, cuống lúc nào cũng có màu thâm đen.
Hiện nay, trên thị trường, hồng Đà Lạt được chia thành 3 loại chủ yếu là : hồng giòn, hồng trứng và hồng dẻo. Thông thường, các loại hồng đều được ngâm qua nước sạch hay nước vôi để bớt chát và nhanh chín hơn. Hồng chín sẽ được ủ khí nên dù quả chín đều, màu đẹp nhưng vị sẽ không thơm, nhạt và chát hơn những trái chín cây./.