Người dân tại vùng bão lụt cần phải chú ý về nguồn nước khi các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người dân.
Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lụt, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, bệnh tiêu chảy, tả, lỵ là những bệnh hay gặp nhất sau bão. Vậy phải xử lý nước uống, sử dụng nước sinh hoạt như thế nào để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm này?
Đầu tiên khi trời mưa tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ chứa đựng sạch để nấu nước uống và nấu thức ăn. Sau đó người dân vùng bão cần loại trừ nguồn nước bẩn bằng quan sát thông thường.Nếu tìm được nguồn nước trong rồi thì cần tìm hiểu xem nước có nhiễm sắt hay phèn không (hai đặc trưng nhiễm phổ biến nhất).
Theo đó, chỉ cần dùng mủ chuối (chặt từ bẹ chuối) nhỏ vào cốc nước lấy từ nguồn nước sinh hoạt và quan sát sự biến đổi màu của nước. Nước bị nhiễm phèn, sắt càng cao khi thử, màu nước càng ngả sang đỏ đậm.
Khi phải dùng nước sông, suối ao, hồ hoặc nước nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ được làm trong bằng cách dùng phèn chua hũa vào nước (với tỉ lệ 1gam phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
Sau khi nhận biết nguồn nước có đủ tiêu chuẩn để xử lý cho sinh hoạt hay không, có thể tiếp tục làm sạch bằng những cách sau:
Phương pháp đun sôi
Phương pháp này tốt nhất vì tiêu diệt hết vi trùng trong nước, và an toàn. Đun sôi nước một phút, mọi sinh trùng trong nước sẽ bị tiêu diệt (ở nơi có độ cao hơn một nghìn mét so với mặt biển, phải đun sôi trong vòng ba phút). Có thể biến mùi nhạt nhẽo của nước đun sôi bằng cách sang nước, tức là đổ nước từ thùng này qua thùng khác (cách này được gọi là thông khí), hoặc để yên nước trong vòng vài giờ đồng hồ, hoặc cho vào mỗi lít nước sôi một nắm muối nhỏ.
Khử bằng hóa chất
Phương pháp thứ hai là khử trùng bằng hóa chất nếu không đun sôi được. Hai hóa chất thường dùng là chlorine (hay còn gọi là thuốc tẩy) và iodine. Chlorine và iodine có hiệu nghiệm nhẹ trong việc khử trùng Giardia, tuy nhiên không hiệu nghiệm trong việc khử trùng Cryptosporidium.
Vì vậy, chlorine và iodine chỉ dùng để khử trùng nước giếng (thay vì cho nước sông, hồ, hay suối), vì nước giếng ít có những sinh trùng gây bệnh kể trên. Chlorine khử Giardia mạnh hơn là iodine. Tác dụng khử trùng của hai hoá chất này gia tăng nếu dùng trong nước nóng. Nếu không biết tỷ lệ chlorine, mỗi lít nước cho mười giọt thuốc tẩy. Có thể dùng gấp đôi nếu nước đục hay có màu hoặc cực lạnh.
Loại hóa chất xứ lý nước đang được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam hiện nay là cloramin B và cloramin T. Đây là những hóa chất xứ lý nước mà Bộ Y tế cấp cho các địa phương để xứ lý nước cho nhân dân trong và sau bão lụt.
Cloramin B hoặc cloramin T được sử dụng dưới hai dạng: viên 0,25g và bột. Hàm lượng clo hoạt tính của loại bột thông thường là 25%, mỗi viên có thể dùng cho 25 lít nước.
Nước cần khử trùng phải được khuấy thật kỹ, để yên với nắp đậy trong vòng 30 phút. Nước này sẽ có thoáng mùi thuốc tẩy. Nếu không, nên cho thêm một liều nữa, và để yên thêm 15 phút cho thoáng hơi.
Nếu nước có mùi thuốc tẩy quá nặng, nên mở nắp vài tiếng đồng hồ cho mùi tẩy bay ra hoặc sang nước nhiều lần từ thùng sạch này sang thùng sạch khác. Nước xử lí bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.