Bộ Tài chính cho biết, kể từ thời gian đầu xảy ra dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ đã theo dõi sát diễn biến thực tế, kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó trong năm 2020, đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng giá trị khoảng 129.000 tỷ đồng (trong đó số gia hạn khoảng 97.500 tỷ đồng; số miễn, giảm là hơn 31.500 tỷ đồng).
Trong thời gian đã qua của năm 2021, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm các khoản thuế, phí và lệ phí với số tiền ước tính khoảng 118.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, báo chí, truyền hình... để kịp thời có giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết giao “Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này”.
Để phù hợp thực tiễn, đồng thời quy định cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong Nghị quyết, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo đề xuất áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo nêu rõ: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp quy định nêu trên có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.
Không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2021 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
Về cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm, dự thảo nêu rõ: Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thu nhập quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm quy định tại Nghị định này được tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về kê khai giảm thuế, căn cứ tổng doanh thu năm 2019 và dự kiến tổng doanh thu năm 2021, người nộp thuế tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý.
Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định của Nghị định này, hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 lớn hơn số thuế doanh nghiệp đã kê khai thì người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế thiếu và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế tính trên số tiền thuế thiếu so với số phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định tại Nghị định này (nếu có) và tính tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huong-dan-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-do-anh-huong-cua-dich-covid-19-260572.html