Theo số liệu từ Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, hiện tổng đàn bò thịt, bò sinh sản trên địa bàn TP Hà Nội là 122.000 con. Trong đó bò cái sinh sản là 83.310 con; đàn bò thịt, bò sinh sản tại 39 xã, vùng chăn nuôi trọng điểm là 39.626 con. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt 80%, tổng số bê thịt sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm khoảng 55.000 con.
Về cơ cấu giống, có 65% bò lai Zebu, 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmaster, Wagyu. BBB…), bò vàng địa phương 5%. Công tác phát triển giống theo 3 nhóm chiến lược chuyên thịt, chuyên thịt chất lượng cao, kiêm dụng.
Để nâng cao chất lượng đàn bò, thời gian qua, TP Hà Nội đã đưa các giống bò mới vào chăn nuôi như bò BBB, Wagyu… cho hiệu quả kinh tế cao và chất lượng thịt ngon hơn. Đặc biệt, mới đây TP Hà Nội đã phê duyệt “Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn TP giai đoạn 2019 – 2020”.
Hà Nội đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Ảnh: TL |
Mục đích của chương trình nhằm tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, phát triển chăn nuôi bền vững, gia tăng giá trị kinh tế cao, nâng cao đời sống người dân. Mặt khác, góp phần nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng thịt bò trên thị trường, giảm nhập khẩu thịt bò, hình thành và phát triển các chuỗi khép kín và chuỗi kiên kết trong chăn nuôi.
Ngoài ra, nhằm xây dựng vùng sản xuất bò giống và thương hiệu thịt bò Hà Nội, tạo sản phẩm thịt bò chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, dự kiến sẽ sản xuất được 5.100 con bê thương phẩm, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 3.00 tấn thịt bò chất lượng cao. Gia tăng giá trị sản phẩm bê từ 10 - 20% so với các bê thông thường khác. Hình thành các vùng sản xuất bò giống hướng thịt chất lượng cao tại các huyện, thị xã có tiềm năng như Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn…
Đối tượng tham gia vào chương trình bao gồm các hộ chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt có đủ đất đai, chuồng trại, lao động, kỹ thuật, kinh nghiệm, kinh phí đối ứng để nuôi được từ 10 bò cái sinh sản trở lên. Hộ có kinh nghiệm chăn nuôi cam kết thực hiện theo đúng quy định của mô hình, nghiêm túc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao và có đủ nguồn lực để đối ứng.
Theo PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, việc Hà Nội đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu để nâng cao giá trị là hướng đi lâu dài của ngành chăn nuôi TP Hà Nội.
Bởi hiện nay đàn lợn trên địa bàn TP Hà Nội đang giảm mạnh do dịch tả châu Phi, đây là cơ hội để tái cơ cấu lại đàn vật nuôi, bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người tiêu dùng Thủ đô rất lớn. Ngoài ra, TP Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc, trung bình mỗi năm trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1 triệu tấn rơm, đây là nguồn thức ăn cho đàn bò.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, để phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao cần phát triển theo chuỗi khép kín, trong đó lấy DN làm đầu tàu. Cùng với đó phải xây dựng vùng an toàn, xã an toàn dịch bệnh…
Văn Biên