Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 5 tỷ đồng. V3 Track được thiết kế với các tiêu chí đặc biệt nhằm tìm kiếm những công ty khởi nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ và kết nối họ với quỹ, nhà đầu tư và các tổ chức lớn.
Cụ thể, cuộc thi trao cho công ty khởi nghiệp cơ hội được giới thiệu ý tưởng sáng tạo của mình, chứng tỏ tính khả thi, hiệu quả của các ý tưởng đó đối với vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lớn hiện tại phải đối mặt, thử thách với chuyên gia hàng đầu trong quản trị, đầu tư; Kết nối họ với các nguồn lực của tổ chức lớn là đối tác của VietChallenge.
Trong bối cảnh các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực có quy mô và nguồn vốn lớn vẫn còn hạn chế trong việc đổi mới sáng tạo. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ không đủ nguồn lực để phát triển và tạo ra được những khác biệt đáng kể. Cuộc thi không chỉ mang lại giá trị thiết thực dành cho các công ty khởi nghiệp mà còn giúp giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Chỉ sau 6 tuần mở cổng đăng ký, từ 12/10- 7/11/2020, cuộc thi Đổi mới sáng tạo VinaCapital Ventures VietChallenge (V3 Track) đã thu hút được 783 start-ups khu vực ASEAN và lân cận, với tổng số vốn huy động lên tới 1,7 tỉ đô-la Mỹ trong toàn khu vực. Trong đó 710 start-ups đã được kết nối với 154 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế thông qua nền tảng Trekkrs, đồng thời tiến sâu vào trong các vòng thi sau của cuộc thi V3 Track.
Đồng thời, V3 Track còn có điểm vượt trội là sự phân bố đồng đều về quy mô phát triển của start-ups dự thi, với 38% thuộc giai đoạn ươm mầm (seeds), 36% thuộc giai đoạn trước vòng gọi vốn đầu tiên (pre-series A) và 26% thuộc giai đoạn gọi vốn đầu tiên (series A), bên cạnh phân bố hài hoà về ngành - lĩnh vực và địa lý.
Về ngành - lĩnh vực, các start-ups hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (18%), hậu cần vận tải - logistic (13%), công nghệ giáo dục (13%), thương mại điện tử (13%), tuyển dụng và quản lý nhân lực (11%), công nghệ y tế (11%), SAAS (4%)...
Về địa lý, 783 start-ups đến chủ yếu từ các quốc gia trong khu vực như Malaysia (19%), Việt Nam (17%), Thái Lan (16%), Singapore (13%), Indonesia (12%), Hàn Quốc (12%) và Đài Loan (11%).
Điểm đặc biệt trong cuộc thi V3 Track là toàn bộ quá trình chấm thi, thẩm định để hợp tác và đầu tư đều được số hóa 100% trên nền tảng v3track.asia – nền tảng số hóa đầu tư Trekkrs và Ban Giám khảo là đại diện các Quỹ đầu tư mạo hiểm và Tập đoàn hàng đầu.
Trong số các start-ups đăng ký tham dự, Ban Giám khảo chọn ra 20 start-ups vào vòng bán kết khu vực. Từ đó 5 start-ups mạnh nhất khu vực cùng với CricketOne (đội thi vô địch VietChallenge 2020) tham gia vào chung kết trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô - Số hoá đầu tư ASEAN.
Các đội giành giải thưởng của cuộc thi
Kết quả chung cuộc, ngôi vị Quán quân thuộc về đội VIOT; Ngôi Á quân 1 thuộc về đội Med247; Á quân 2 thuộc về đội Drone pro. Ban Giám khảo cũng đã chọn ra 2 đội để trao giải Khuyến khích.
Trước thềm sự kiện, 4 chương trình giao lưu trực tuyến với thanh niên khởi nghiệp đã được tổ chức bởi Trung ương Đoàn – Trung ương Hội LHTN Việt Nam (Thành đoàn Hà Nội thực hiện).
Những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp như: Nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp - thực trạng và giải pháp hoàn thiện; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Chính sách tài chính cho khởi nghiệp, đã được chia sẻ, thảo luận trong 4 buổi talkshow này.