1. Rừng Nam Cát Tiên

Vườn Quốc Gia Cát Tiên là nơi có một trong hai khu vực đất ngâp nước Ramsar duy nhất của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam.

Sinh cảnh sống trên đất liền cuối cùng của loài Tê giác Java đặc biệt quý hiếm, là cơ hội để hòa mình với thiên nhiên kỳ thú và thưởng thức văn hóa lâu đời của dân tộc Stiêng và Mạ.

Đa dạng sinh học: Vườn Quốc Gia Cát Tiên có tính đa dạng sinh học cao, với hệ động thực vật đa dạng và phong phú, có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm có tên trong sách đỏ. Đây là điểm thu hút du khách và các nhà khoa học đến tham quan và nghiên cứu.

Cảnh quan: Vườn Quốc Gia Cát Tiên với nhiều kiểu địa hình xen kẽ các bàu, đầm, các hệ suối, cộng với hơn 90km chiều dài sông Đồng Nai đã tạo nên những cảnh quan đặc trưng với những ghềnh thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước... Đặc biệt là khu vực Bàu Sấu, một điểm tham quan du lịch rất lý thú.

Môi trường – thời tiết – khí hậu: Vườn Quốc Gia Cát Tiên nằm trên chính đỉnh tam giác của vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai – Bình Dương – Bình Phước.

Do đó, nó có tác dụng như lá phổi, đóng vai trò to lớn trong việc cải thiện môi trường, phòng hộ đầu nguồn cho thuỷ điện Trị An, điều tiết nguồn nước, cung cấp dưỡng khí, hấp thụ bức xạ mặt trời, thanh lọc ô nhiễm.

Đến Vườn Quốc Gia Cát Tiên, du khách sẽ có cơ hội tận hưởng bầu không khí trong lành, sự yên tĩnh điều mà ngày nay, tại các nước đang phát triển không phải ở nơi nào cũng có.

Rừng Nam Cát Tiên thuộc 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng, nằm trong diện bảo tồn với nhiều thảm thực vật đa dạng, nhiều cây quý và chim muông nằm trong sách Đỏ. Đây được xem là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước. 

Theo thống kê, toàn bộ rừng Nam Cát Tiên có khoảng 40 loài nằm trong sách Đỏ thế giới, đặc biệt là loài tê giác, 50% diện tích rừng xanh, 40% là rừng tre và 10% còn lại là nông trại, trên 62 loại lan quý hiếm được phát hiện tại đây.

Đến rừng Nam Cát Tiên du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ mà còn được trải nghiệm hành trình khám phá Bàu Sấu - vùng đất ngập mặn lớn nhất nhì nước ta.

2. Rừng Quốc gia Cúc Phương 

Vườn Quốc gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương) là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. 

Trong đó, rừng Cúc Phương thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình được đánh giá là khu rừng đẹp nhất, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 120km.

Vườn quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, theo số liệu điều tra gần đây Cúc Phương có 2234 loài thực vật bậc cao và Rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.

Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú. Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, vì vậy Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng đối với các nhà xem chim.

Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với những cái tên gợi cảm như: động Sơn cung, động Phò mã giáng…Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cáchngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm

​Cúc Phương là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường với những nét văn hoá độc đáo và đặc trưng, đó là những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cối giã gạo nương, những khung dệt thổ cẩm, độc đáo hơn là những lễ hội, phong tục tập quán và nếp sống của cộng đồng mà du khách có thể cảm nhận được trong thời gian thăm bản.

3. Rừng thông Bản Áng

Rừng thông Bản Áng là khu du lịch thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Rừng thông Bản Áng có diện tích khoảng 43ha gồm 2 chủng loại thông là thông địa phương và thông Đà Lạt.

Rừng thông trải dài trên dãy đồi đất Feralít đỏ nâu, hai hồ nước tự nhiên chạy dài theo hướng Đông Tây với độ cao thấp khác nhau, dọc hai bên bờ hồ là những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện bên những tán cây xanh tươi đã tạo cho nơi đây một cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp.

Khu du lịch rừng thông Bản Áng có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, lưu giữ nét phong tục văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, tạo nên sự hấp dẫn du khách đến tham quan du lịch.

Do đặc thù khí hậu cao nguyên Mộc Châu đã tạo cho khung cảnh hồ rừng thông Bản Ánh  vẻ đẹp huyền ảo, lung linh.

Nếu đến rừng thông Bản Ánh vào sáng sớm bạn sẽ tháy mặt hồ rừng thông Bản Áng thật tĩnh lặng với một lớp sương mỏng manh nhè nhẹ lướt trên mặt hồ khiến cho ta như mở lòng hòa mình vào thiên nhiên.

Buổi trưa khi nắng lên mặt hồ bừng sáng “thay áo mới” rực rỡ, buổi chiều tà sương kéo về se lạnh như thả hồn cùng bước chân lãng du, làm vơi đi những ồn ào của cuộc sống thường nhật.

Vào những đêm trăng sáng, bóng thông soi xuống mặt hồ, tiếng thông gieo vi vu, vang vọng đâu đó tiếng sáo gọi bạn tình tạo chọ rừng thông Bản Áng một không gian vô cùng lãng mạn.

Bản Áng mơ màng nằm giữa khu du lịch sinh thái rừng thông, người dân bản Áng hồn hậu và mến khách. Nét phong tục tập quán cổ truyền độc đáo còn được lưu lại nơi đây chắc chắn sẽ khiến du khách thích thú: mái nhà sàn đơn sơ, những điệu xòe mời gọi, những làn điệu dân ca cổ thiết tha níu chân du khách…

Đến với bản Áng, du khách sẽ được tìm hiểu về nhiều nghề truyền thống của bà con nơi đây như: dệt thổ cẩm, nghề làm đệm bông gạo, nghề đan lát.

Với những bàn tay khéo léo của các cô gái Thái xinh đẹp, chịu khó đã dệt nên nhiều sản phẩm thổ cẩm rực rỡ các hoa văn độc đáo. 

Đến với bản Áng, đến với những người dân bản xứ hồn hậu, mến khách bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về những nét văn hóa cổ xưa được gìn giữ cẩn thận dưới mái nhà sàn, những điệu dân ca cổ, những điệu xòe độc đáo, những lễ hội “Hết Chá”, “Mừng cơm mới”….

Khi đến  đây bạn cũng sẽ được trải nghiệm cuộc sống thường ngày bên mái nhà sàn truyền thống cùng với đồng bào người Thái. Thật thú vị khi được ngủ trên chiếc đệm bông gạo, được thưởng thức những món đặc sản của núi rừng như : cơm lam, cá nướng, thịt hun khói, xôi tình yêu, rượu men lá, cá ống tre….và đặc biệt là những món rau rừng lạ miệng.

Trong men say của rượu cần, tiếng trống rộn ràng, tiếng đàn tiếng khèn dìu dặt cùng những lời ca trữ tình….như tha thiết gọi mời bước chân lữ khách.

4. Rừng tràm Trà Sư 

Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam

Với diện tích gần 850 ha, phần lớn loài cây ở rừng tràm Trà Sư là tràm (trên 10 tuổi, cao 5 - 8 m). Ngoài ra, đây còn là nơi sinh sống nhiều loài động vật và thực vật. Theo thông tin trên website Du lịch Việt Nam, thì ở đây hiện có:

- 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điêng điểng (Anhinga melanogaster) [2]
-11 loài thú thuộc 4 bộ và 6 họ. Các bộ có số loài nhiều nhất là gặm nhấm (4 loài) và dơi (15 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam.
-25 loài bò sát và ếch nhái, gồm 2 bộ, 10 họ, trong đó có cả rắn hổ mang, rắn cạp nong.
-10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ [3].

Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài thuốc và 22 loài cây cảnh, v.v…

Nhìn chung, chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã.

Với phong cảnh nguyên sơ tuyệt đẹp hòa cùng tiếng chim hót véo von, nơi đây trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Thời điểm nên đi: mùa nước nổi, khoảng tháng 9- tháng 11 hàng năm. 

5. Rừng U Minh 

Một góc rừng U Minh Hạ

​Rừng U Minh gồm có U Minh Thượng và U Minh Hạ, trong đó U Minh Thượng thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang còn U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau. Rừng là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Đồng thời là nơi sinh sống của 252 loài thực vật, 24 loài thú, 185 loài chim với nhiều loài quý hiếm được liệt vào sách Đỏ.

Đến rừng U Minh, du khách sẽ như lạc vào nơi hoang sơ với những cánh rừng tràm bạt ngàn, thỉnh thoảng xen lẫn vài lùm sim tím, lau sậy cùng tiếng chim hót líu lo, tạo cho nơi đây một khung cảnh vừa hoang sơ, hùng vĩ vừa thư thái tinh thần.

Ngoài ra, đến đây du khách còn được thưởng thức nhiều món ngon dân dã, đặc trưng của người Nam Bộ như cá lóc nướng trui, đây sẽ là một trải nghiệm khó quên dành cho bạn.

6. Rừng thông Bồ Bồ

Rừng thông Bồ Bồ nằm ở vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng, gần đèo Hải Vân, cách trung thành phố khoảng 30km về phía Bắc. Nơi đây khung cảnh hoang sơ, thanh bình phù hợp để thư giãn, ngắm cảnh.

Ngoài ra, với khung cảnh hữu tình nơi đây cũng được nhiều cặp đôi lựa chọn để chụp ảnh cưới. Đến đây, bạn sẽ tạm quên đi những ồn ào, xô bồ của cuộc sống phố thị náo nhiệt ngoài kia. 

7. Rừng Yok Đôn 

Rừng Quốc gia Yok Đôn có diện tích lớn nhất nước ta với tổng diện tích khoảng 115.545ha thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Toàn bộ diện tích rừng có tới 90% là vườn, là nơi sinh sống của 67 loài thú, 196 loài chim, 100 loài côn trùng.

Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ du khách còn có cơ hội cưỡi voi đi giữa những cánh rừng bạt ngàn, hoặc cùng voi vượt sông Sêrêpôk. Đây hứa hẹn sẽ là trải nghiệm thú vị, khó quên dành cho bạn. 

8. Rừng phong Chế Tạo

Rừng phong Chế Tạo nằm trên dải Hoàng Liên Sơn thuộc địa phận huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, cách trung tâm huyện khoảng 30km đường dốc cheo leo. Khu rừng được đánh giá có nhiều thảm thực vật phong phú đẹp bậc nhất Việt Nam. Vào mùa đông, rừng thay màu lá đỏ tạo cho cảnh khung cảnh nơi đây đẹp mê lòng người.

 

Theo Thúy Hà/ Gia đình Việt Nam