Theo đánh giá của Bộ Chính trị, thời gian gần đây, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển. Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển, cửa ngõ chính ra biển Đông của khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Khu kinh tế Vân Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao. Du lịch phát triển chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Phát triển và quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Kết quả hợp tác, liên kết với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn hạn chế.
Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời như được chắp cánh cho Khánh Hòa vươn xa hơn với tiềm năng và lợi thế của một đô thị gắn liền với du lịch và kinh tế biển. Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi.

Phát triển đa dạng dịch vụ, du lịch

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, trên cơ sở Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp.

Về phát triển dịch vụ, du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực. Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế và các tuyến phố thương mại, tài chính. Đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng và khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng hàng hóa, cảng tổng hợp, cảng du lịch chuyên dụng... Nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và các biện pháp phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài để tìm kiếm thị trường, khách hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, cửa hàng tiện lợi tại những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đổi mới công tác quản lý, điều hành tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành đô thị thông minh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. 
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe. Có giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, tái cơ cấu du lịch sau đại dịch Covid-19 để thu hút nguồn khách trong nước và quốc tế, đa dạng các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế có chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, dựa trên nền tảng kinh tế số để đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch. Hình thành các tuyến du lịch liên vùng, cả nước thu hút khách du lịch từ các thị trường khách lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ khách du lịch. Đưa thương hiệu du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025: Số lượng khách du lịch đạt 11 triệu lượt, trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 5 triệu lượt và khách du lịch nội địa khoảng 6 triệu lượt. Đến 2030: Số lượng khách du lịch đạt 15,4 triệu lượt, trong đó, khách du lịch quốc tế hơn 8 triệu lượt và khách du lịch nội địa khoảng 7,4 lượt.

Phát triển toàn diện kinh tế biển

Là địa phương có đến 385 km bờ biển, có vùng biển đảo rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ. Đây là lợi thế để Khánh Hòa phát triển mạnh về kinh tế biển. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh cho biết, theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ tập trung  phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; đầu tư phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển.  
Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển và kiểm soát tài nguyên biển; phát triển toàn diện kinh tế biển, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, cảng biển, vận tải biển - hàng không; kinh tế biển - đảo và hình thành Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương. Xây dựng Đề án nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư trên lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao. 

“Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Vân Phong để xây dựng thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước. Phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo hướng: Khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao... Khu vực Nam Vân Phong là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ… cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Theo baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/khanh-hoa-no-luc-tro-thanh-trung-tam-du-lich-va-kinh-te-bien-20220827093902.htm