Việt Nam là một đất nước có nhiều lợi thế trong việc hình thành và phát triển chuỗi đô thị ven biển đẳng cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển đô thị biển ở nước ta còn nhiều bất cập. Từ tiến độ đến số lượng và cả chất lượng đều gặp những hạn chế nhất định, cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ để giải quyết, từ đó nâng tầm cả quy mô và trình độ phát triển. Đây là một trong nhiều vấn đề được các chuyên gia bàn luận tại Hội thảo: "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã tổ chức vào ngày 3/8, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. 

Nhiều hạn chế trong quy hoạch - xây dựng đô thị biển

Nước ta có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn tập trung ở khu vực ven biển, trên đảo. Tuy nhiên, các đô thị biển của Việt Nam đang có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm “pháo đài”, tiền tiêu trong phòng thủ và làm “bàn đạp” hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng.

Quy hoạch - xây dựng đô thị biển còn nhiều hạn chế (Ảnh: H.Thu)
Quy hoạch - xây dựng đô thị biển còn nhiều hạn chế (Ảnh: H.Thu) 

“Trước mắt, cần sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển, trong đó ưu tiên xem xét kết nối các đô thị ven biển hiện có và các đô thị mới để hình thành các chuỗi đô biển trong một chỉnh thể không gian kết nối: Ven biển - biển - đảo ", ông Chính nêu quan điểm.

Theo ông Chính, hiện nay, việc quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch các đô thị ven biển chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển.

Cụ thể, nhiều dự án tập trung dày đặc tại ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng; quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai; tình trạng phân lô trên tuyến đường ven biển đã làm giảm hiệu ứng “đóng - mở” đối với cảnh quan biển; kết cấu hạ tầng các vùng biển, vùng ven biển còn yếu kém, đầu tư manh mún và dàn trải, chưa đồng bộ, thiếu hạ tầng lớn và hiện đại nên dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, khó tạo đột phá mạnh cho phát triển nhanh các trung tâm kinh tế biển tầm quốc gia và khu vực, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế…

4 kế sách để phát triển đô thị biển bền vững

Để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, các đô thị ven biển cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ.

Theo đó, có ít nhất 4 giải pháp để công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.

Thứ nhất, các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.

Thứ hai, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển. Việc này nhằm tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ ba, cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.

Đối với các địa phương, ông Chính cho rằng chính quyền cần thực hiện 4 nhiệm vụ.
Đối với các địa phương, ông Chính cho rằng chính quyền cần thực hiện 4 nhiệm vụ.

Thứ nhất là kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ hai, tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ…

Thứ ba, ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án ven biển.

Đóng góp thêm ý tưởng cho việc phát triển chuỗi đô thị ven biển, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam gợi ý, Chính phủ cần tái cơ cấu hệ thống đô thị ven biển, lưu ý quy hoạch phát triển hiệu quả và bền vững “đô thị cận kề” các cảng biển lớn, nước sâu, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa) gắn với cảng cùng tên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gắn với cảng nước sâu Vũng Áng, Vạn Tường gắn với cảng nước sâu Dung Quất...

Bên cạnh đó, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần ưu tiên xây dựng các tuyến giao thông (đường bộ cao tốc và đường sắt hiện đại ven biển, đường hàng không) để hình thành các “tuyến lực” giúp gia tăng khả năng liên kết các đô thị ven biển nói trên, tạo động lực cho liên kết vùng.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cũng đề cập đến việc cần chuẩn bị để sớm xây dựng một chuỗi đô thị đảo ở 12 huyện đảo của nước ta, nhằm tạo kết nối đảo với biển và vùng ven biển (đất liền), hình thành các cực phát triển, tạo khả năng tích tụ dân số, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực kinh tế biển, giúp tăng cường thực thi chủ quyền dân sự, tạo “đối trọng” với các sáng kiến chiến lược qua Biển Đông, góp phần khắc phục những thách thức trong bối cảnh mới ở Biển Đông.

“Để phát triển hệ thống đô thị biển Việt Nam đúng tầm, cần phải thể chế hóa, có thể dưới dạng một nghị quyết về ‘Phát triển hệ thống đô thị biển và kinh tế đô thị biển’ ở cấp Bộ Chính trị/Trung ương Đảng hoặc Chính phủ, để tạo cơ chế chính sách đặc thù thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và người dân”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nêu ý tưởng.

Với TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông cho rằng cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay (kể cả mặt tốt và mặt chưa tốt) trong nước và quốc tế.

Song song với đó là xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực; và bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống đô thị biển vào quy hoạch tổng thể quốc gia./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/de-do-thi-ven-bien-tro-thanh-chuoi-ngoc-trai-20201224000013545.html