Khô khớp xương thường xảy ra ở người già khi xương khớp có dấu hiệu thoái hóa, xong nhiều người ở độ tuổi còn trẻ cũng có thể hiện tượng này…

  1. Khô khớp xương là gì?

Khô khớp là hiện tượng các khớp khi vận động phát ra tiếng động lạo xạo hay lục khục.

Đây là một triệu chứng của bệnh lý khớp. Khô khớp có thể chỉ biểu hiện đơn độc. Nhưng khô khớp cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác của bệnh khớp như sưng, nóng, đỏ khớp, đau khớp, hạn chế vận động.

Ở Khoa Khớp, Bệnh viện Bạch Mai hàng ngày có tới 100 bệnh nhân khớp mắc chứng khô khớp đến khám và điều trị.

  1. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khô khớp xương

Do lão hóa

Ở những người cao tuổi các sụn khớp bị bào mòn gây ra hiện tượng rách bao sụn và biến dạng tổ chức sụn. Các xương khi không còn lớp sụn bảo vệ sẽ cọ sát vào nhau gây ra hiện tượng khô khớp.

Khô khớp xương thường xảy ra ở người già khi xương khớp có dấu hiệu thoái hóa, xong nhiều người ở độ tuổi còn trẻ cũng có thể hiện tượng này

Với khô khớp ở lứa tuổi thiếu niên có thể là do sự phát triển không đồng đều của các dây chằng, gân, cơ, và xương trong thời kì khớp đang lớn

Do thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp do tuổi già, do bị chấn thương gãy xương vùng khớp gối, bệnh lý thấp khớp, gút, đứt dây chằng không chữa kịp thời.

Thường xuyên sử dụng một số tư thế như ngồi xổm, gác chân, khiêng vác quá nặng cũng có thể thúc đẩy quá trình hư, khô khớp diễn ra nhanh hơn

Thoái hóa khớp làm lớp sụn bị bào mòn và mất dần tính chất mềm mại, trở nên cứng rắn (hóa xương) gây chèn ép, cọ xát lên lớp màng xương ở các đầu xương, gây ra tiếng lạo xạo và kèm theo đau

Ngoài ra khô khớp còn do các nguyên nhân sau

Do viêm khớp ( viêm đa khớp tiến triển), bệnh thống phong, bệnh vẩy nến.

Do hiện tượng vôi hóa ở ổ khớp: Sự lắng đọng canxi ở ổ khớp gây trở ngại cho hoạt động của khớp. làm khớp bị khô

Do trật khớp thường sau chấn thương.

Do căng giãn quá mức cân cơ khiến các khớp bị lệch vị trí và tạo ra sự cọ xát, lạo xạo…

Do béo phì dẫn đến thoái hóa khớp và làm nặng thêm tình trạng viêm khớp do sức nặng của trọng lượng cơ thể đè nén lên ổ khớp.

Do hoạt động điền kinh: chạy nhảy, di chuyển với tốc độ nhanh.

  1. Cách điều trị chứng khô khớp

Thứ nhất, cần phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì có thể giúp bệnh ổn định trong thời gian dài.

Thứ hai, phải dùng các thuốc giúp phục hồi các khớp bị thương tổn.

Đó là các thuốc chống hiện tượng thoái hóa khớp chứa các thành phần của sụn khớp như collagen, glucosamin, chondroitin, axit hyaluronic.

Ngoài ra, cung cấp đầy đủ lượng canxi, vitamin D và các khoáng chất như: magiê, vitamin K hàng ngày qua các thực phẩm như sữa, rau, trái cây để giúp xương luôn chắc khỏe.

  1. Cách nào để phòng ngừa và hạn chế bệnh khô khớp?

Chúng ta có thể làm chậm quá trình khô khớp bằng chế độ ăn uống và tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp tình trạng sức khỏe.

Trong chế độ ăn, bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoáng chất như cá biển, mực, tôm, cua, rong biển hay những loại rau mồng tơi, đậu.

Bạn cần hạn chế đồ uống có cồn, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Bạn cũng cần bảo vệ khớp khỏi các chấn thương.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh các tư thế ngồi xổm, hạn chế lên xuống cầu thang, tránh cúi xuống nhấc vật nặng hay ngồi hàng giờ cong vẹo người ở tư thế xấu khi thêu thùa, may vá, viết lách.

Bạn cũng không nên làm động tác bẻ các ngón tay kêu lắc rắc vì sẽ làm chấn thương dây chằng hay mặt khớp.

Không nên tập thể hình với mang vác tạ quá nặng ở tư thế đứng hay ngồi. Tránh va chạm mạnh khi chơi các môn thể thao đối kháng như đá bóng, bóng rổ.

Bạn nên tập thể dục đều đặn. Những lúc nghỉ giải lao giữa giờ làm việc, bạn nên vươn người, co duỗi tay, chân tại chỗ, làm các bài tập thể dục nhẹ nhàng./.

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam