Vi phạm của một vài người ở CDC Hà Nội chỉ mang tính cá nhân, không ảnh hưởng gì tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố. 10 triệu người dân Hà Nội và hàng trăm nghìn chiến sỹ chống dịch vẫn chắc “tay súng” trên trận tuyến, để có thể giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Người Hà Nội đón nhận nới lỏng cách ly xã hội một cách khá bình thản. Các hoạt động kinh tế - xã hội trên các tuyến phố Thủ đô hối hả trở lại với dòng người tất bật ngược xuôi… Dù vậy, mỗi người Hà Nội đều hiểu rõ, để có sự “trở lại” sau 22 ngày cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19, là cả một quá trình nỗ lực chống dịch không biêt mệt mỏi của thành phố và cả nước, với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”.
Thực tế, hành trình chống Covid-19 ở Hà Nội đã bắt đầu từ sau khi virus nCoV xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019 chứ không phải thời điểm thành phố phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 3-2020. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, thành phố đã dự liệu tất cả các kịch bản chống dịch, kể cả những tình huống tồi tệ nhất để từng bước ngăn chặn virus xâm nhập và vô hiệu hóa các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng.
Nhịp sống ở Thủ đô Hà Nội dần bình thường trở lại
Với dân số gần 10 triệu người, mật độ giao thương, xuất nhập cảnh với số lượng rất lớn người nước ngoài qua lại Thủ đô mỗi ngày, Hà Nội vẫn duy trì được hơn 1 tháng mới có ca nhiễm nCoV đầu tiên (kể từ ngày ca bệnh Covid-19 đầu tiên phát hiện tại Việt Nam). Biết bao thời gian, công sức của các lực lượng chống dịch đã đổ ra để có được hơn 30 ngày đó…
Sau khi có ca mắc nCoV đầu tiên ở ổ dịch Trúc Bạch và tiếp sau đó là bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh, Hạ Lôi (Mê Linh), Đông Cứu (Thường Tín), các lực lượng của Hà Nội luôn bám sát diễn biến dịch bệnh; toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Trung ương, Bộ Y tế… từng bước khoanh vùng, quyết liệt dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Không thể kể hết khối lượng công việc khổng lồ mà thành phố đã phải giải quyết trong thời gian chạy đua với virus nCoV để dập dịch. Chỉ biết rằng, với từng ổ dịch, dù phức tạp tới đâu, thành phố cũng đã xử lý hiệu quả, thành công.
Đơn cử, với ổ dịch tại biện viện Bạch Mai, bằng những nỗ lực phi thường mà thầm lặng của các đơn vị liên quan, trong đó mũi nhọn là lực lượng CATP Hà Nội và ngành y tế Thủ đô, sau một thời gian rất ngắn, Hà Nội đã rà soát hơn 21.000 trường hợp có liên quan, thực hiện nghiêm chỉ đạo “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để khoanh vùng, tiêu diệt Covid-19.
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 cho 400 hộ dân tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội)
Có được thành công bước đầu hôm nay trong phòng chống Covid-19, trước hết phải kể tới những chỉ đạo, biện pháp phòng chống dịch kịp thời, quyết liệt, khoa học của Trung ương và thành phố. Tiếp đến, các lực chức năng của thành phố và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ, nỗ lực bền bỉ, không kể vất vả ngày đêm để xử lý các ổ dịch. Nhưng, quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định, chính là sự đóng góp của toàn thể người dân Hà Nội và cả nước.
Gần 10 triệu người dân Hà Nội đã chấp hành rất tốt các yêu cầu cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, chấp nhận nhiều thiệt thòi, cả về vật chất, tinh thần để ưu tiên tất cả cho phòng chống dịch bệnh.
Đó là chưa kể những người liên quan tới ổ dịch ở Trúc Bạch hay bệnh viện Bạch Mai, số ngày “cách ly xã hội” của họ thực ra là hơn 5 tuần chứ không phải chỉ từ 1-4 tới hết 22-4. Tất cả những đóng góp to lớn đó, không thể nói hết bằng lời, thế nên, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, thành phố đã gửi tới toàn thể nhân dân lời cảm ơn, tri ân sâu sắc vì sự sẻ chia đầy trách nhiệm ấy.
Cũng trong buổi chiều cuối cùng trước khi được nới lỏng cách ly xã hội, người Hà Nội lại đón nhận một thông tin không vui khi cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội.
Bảy người đã bị bắt, trong đó có ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội. Người ta cảm thấy tiếc và sốc vì thực tế, CDC Hà Nội là cơ quan trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 của thành phố, cũng có những đóng góp nhất định thời gian qua. Dù vậy, phải khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật của ông Cảm và một vài người ở CDC Hà Nội hoàn toàn mang tính chất cá nhân và đã được “khoanh vùng, dập dịch” một cách quyết liệt nhất.
Ngay khi cơ quan Công an triệu tập một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ vụ việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho biết, thành phố đã yêu cầu Thanh tra TP vào cuộc từ sớm và "quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid -19 TP là các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ; trong dịch bệnh mà vi phạm sẽ là tình tiết tăng nặng”. Chủ tịch UBND TP cũng nói thẳng: “Móc ngoặc, nâng giá vật tư y tế phòng dịch là có tội với nhân dân, mang tiếng với cộng đồng quốc tế…”.
Thực tế, ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Thành ủy Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch nhưng đáng tiếc, một vài người ở CDC Hà Nội đã mờ mắt trước đồng tiền và rơi vào sai phạm.
Vụ án đang tiếp tục được làm rõ và mỗi cá nhân vi phạm sẽ phải trả giá đích đáng cho vi phạm của mình. Và như đã nói ở trên, vi phạm đó chỉ thuộc về một vài cá nhân, không ảnh hưởng gì tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố. 10 triệu người dân Hà Nội và hàng trăm nghìn chiến sỹ chống dịch vẫn chắc “tay súng” trên trận tuyến, để có thể giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.