Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các các tỉnh, TP trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch từ cấp TP đến cơ sở trên tinh thần khoa học nhất nhưng không chủ quan, lơ là để thực hiện tốt mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Số trường hợp mắc được phát hiện sẽ vẫn tập trung lớn gồm các đối tượng liên quan dịch tễ đến BV Đà Nẵng và tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác. Ngoài ra, có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng…
Báo cáo tại cuộc họp, từ đầu cầu Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành ủy Hà Nội chỉ đạo rõ, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch theo chỉ đạo của Trung ương để cập nhật vào kịch bản phòng, chống dịch của TP cho phù hợp nhưng với tinh thần là vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
TP Hà Nội đã triển khai nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Thành ủy Hà Nội. Ngày 28-7, Thành ủy Hà Nội đã có công điện gửi các cấp chính quyền với tinh thần kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch như giai đoạn 1 và 2, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng từ TP đến cơ sở.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”. Hà Nội tăng cường tuyên truyền người dân nêu cao tinh thần tự giác trong việc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn…
Tính đến 12g ngày 2-8, toàn TP đã ghi nhận 83.937 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay (tăng thêm 11.662 người) so với số rà soát của ngày 1-8. TP hiện có 80.000 test nhanh và đã chuyển cho các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã 69.000 test, trong đó, đã xét nghiệm được cho 67.746 người.
Kết quả của hoạt động test nhanh, đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính nhưng khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR thì 10 trường hợp âm tính, còn 1 trường hợp đang chờ kết quả. Bên cạnh đó, TP đã xét nghiệm PCR cho 491 trường hợp. Kết quả có 465/491 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính là bệnh nhân 447, còn lại 25 mẫu chưa có kết quả. Ngoài ra, TP Hà Nội đã rà soát được 127 trường hợp F1 liên quan đến 2 ca bệnh mới, tất cả đều cho kết quả âm tính.
Với trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội, Hà Nội đã đón đoàn vận chuyển các bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo về an toàn và tổ chức cách ly, điều trị ngay tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2…
Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT. Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã bảo đảm các điều kiện an toàn để chuẩn bị cho kỳ thi như: tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ coi thi và học sinh.
Theo Chủ tịch UBND TP, Hà Nội đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch từ cấp TP đến cơ sở trên tinh thần khoa học nhất nhưng không chủ quan, lơ là để thực hiện tốt mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu đến ngày 12-8, Hà Nội không phát hiện thêm ca nhiễm nào thì có thể nói, TP đã tương đối an toàn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, dịch lần này ở cấp độ mới, sẽ diễn ra trên diện rộng nếu ngăn chặn không hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm mọi biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất. Các bệnh nhân nặng ở các BV cần được cứu chữa tốt nhất để giảm thiểu tử vong, với tinh thần chống dịch phải thần tốc, kiên quyết, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ.
Trong chỉ đạo, cần cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế xã hội, đặc biệt không làm những việc thái quá như "ngăn sông, cấm chợ"; không được tuyên bố cách ly xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, nhất là chưa có ổ dịch vì điều này dễ dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội và đây còn là mầm mống gây mất trật tự an ninh.