Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm rằng, không gian công cộng là một trong những thành tố quan trọng bậc nhất của đô thị, là di sản văn hóa của những đô thị lịch sử, làm nên chất lượng sống cho các đô thị mới hình thành.
Nhưng không gian đô thị cũng rất dễ tổn thương do bị sử dụng sai mục đích, bị thương mại hóa... Tình trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều đô thị nước ta, có nguyên nhân từ chính sách chưa hoàn thiện, sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, đặc biệt là sự thụ động của người dân đối với quyền được tham gia gìn giữ, kiến tạo các không gian công cộng vì chính cuộc sống của mình.
Do đó, để thực hiện các “Mục tiêu phát triển bền vững”, vai trò của đô thị ngày càng trở nên quan trọng. Gia tăng không gian công cộng đã được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận là một trong những chiến lược nhằm phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội của các đô thị.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, không gian công cộng nói chung, không gian xanh, không gian vui chơi giải trí trong các đô thị, khu dân cư hiện nay còn thiếu so với nhu cầu của người dân. Nhiều địa phương có xu hướng sử dụng không gian công cộng sai mục đích, không vì lợi ích cộng đồng, kiến trúc cảnh quan thiếu đặc sắc chưa phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan đô thị.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), cho rằng: "Quá trình đô thị hóa khiến nhiều không gian công cộng đã hoặc đang bị thu hẹp về diện tích, thay đổi chức năng hoặc biến mất hoàn toàn. Sở dĩ có tình trạng này, là do chính sách chưa hoàn thiện, trong các văn bản pháp luật, các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn quốc gia chưa có khái niệm chính thức về không gian công cộng, điều này khiến cho việc quản lý không gian công cộng bị rời rạc, phân tán ra nhiều cơ quan có chức năng khác nhau".
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng cũng thừa nhận sự cố gắng của những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM trong việc xây dựng và bảo vệ những không gian công cộng trong đô thị, đó là sự xuất hiện nhiều khu đô thị mới có tỷ lệ công viên, cây xanh cao, hay dự án thí điểm phát triển phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đường Phùng Hưng vào cuối tuần ở Hà Nội, phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM…
Đặc biệ, với sự quyết tâm của chính quyền, cộng đồng dân cư, một số dự án xâm phạm tới không gian công cộng như Công viên Thống Nhất, Dự án Văn phòng trước cửa Nhà hát lớn, Dự án Nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội và một số dự án mở lối xuống biển ở Đà Nẵng… đã bị đình chỉ và thay vào đó là các vườn hoa dành cho dân cư.
Song theo ông Hùng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức liên quan đến phát triển không gian công cộng trong đô thị do những bất cập của các chính sách quản lý và trong công tác thực thi quy hoạch, cấp phép xây dựng. Tại một số khu đất, sau khi di dời các cơ quan, nhà máy xí nghiệp ra bên ngoài đã không thực hiện theo đúng chủ trương là dành không gian để phát triểnkhông gian công cộngmà được chuyển đổi mục đích thành các dự án nhà ở thương mại, làm tăng mật độ, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng.
Vì vậy, ông Hùng kiến nghị, cần công khai, minh bạch những thông tin khi các nhà máy, trụ sở cơ quan di chuyển ra ngoài đô thị và huy động sự giám sát của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện đúng quy hoạch chung của thành phố.
“Với những ý nghĩa và tầm quan trọng của không gian công cộng đối với sự phát triển đô thị bền vững, chính quyền các đô thị cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển các không gian công cộng theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, để có thể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, bảo vệ những không gian công cộng hiện có. Phát triển các không gian công cộng mới theo đúng quy hoạch đô thị được duyệt, không thể để các không gian này bị sử dụng sai mục đích, thương mại hóa mà không vì lợi ích của cộng đồng”, ông Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Khuyến nghị tại hội thảo, bà Kristie Daniel, Giám đốc Chương trình Thành phố Sống tốt của Tổ chức HealthBridge Canada cho rằng, các chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển đô thị cần xem xét việc phát triển hệ thống không gian công cộng chất lượng như là chìa khóa để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bình đẳng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
TS. Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat cũng chia sẻ: “Từ các nhận định về tầm quan trọng của không gian công cộng, chúng tôi tập trung hỗ trợ, hợp tác với một số chính quyền thành phố, với mong muốn không chỉ gìn giữ các di sản, làm đẹp không gian đô thị, mà còn "làm mới" những nét đẹp đó, để chúng thực sự là những di sản "sống", cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân đô thị.
Đồng thời, chúng tôi nhấn mạnh tới nhu cầu phải có sự tham gia của cả cộng đồng trong quá trình xây dựng và phát triển không gian công cộng nói riêng và của đô thị nói chung để đảm bảo tính bền vững, công bằng và hoà nhập xã hội”.
An Vũ