Buổi thứ hai trong chuỗi tọa đàm trực tuyến hỗ trợ khởi nghiệp do Grab Ventures Ignite tổ chức vào đầu tháng 5 tiếp tục thu hút nhiều startup tham gia. Câu chuyện chủ đề của tọa đàm kỳ này bàn sâu vào giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với Covid-19. Tham dự chương trình là ông Bobby Liu - Giám đốc Topica Founder Institute, chương trình đào tạo khởi nghiệp, ông Phi Nguyễn - Nhà sáng lập kiêm CEO Hiip, nền tảng kết nối nhãn hàng và những người có tầm ảnh hưởng (KOL) và ông Vũ Lê - Giám đốc Phát triển kinh doanh và Quan hệ đối tác Grab.
Các chuyên gia cung cấp cái nhìn lạc quan về hệ sinh thái Việt Nam. Ông Phi Nguyễn cho rằng, giai đoạn giãn cách xã hội không ảnh hưởng tiêu cực đến startup tận dụng tốt công nghệ. Nhờ mô hình khởi nghiệp tinh gọn và tận dụng tốt môi trường trực tuyến, startup có thể sống sót. Tuy nhiên theo ông Phi, doanh nghiệp vẫn cần lường trước khó khăn, tối ưu chi phí, duy trì động lực làm việc, đảm bảo năng suất đội ngũ... để hạn chế tác động từ dịch. Cùng với đó, đại dịch cũng tạo ra những thay đổi lớn có thể là cơ hội cho startup trong trạng thái "bình thường mới".
Nắm bắt cơ hội từ sự thay đổi
Theo các chuyên gia, đại dịch tạo ra những thay đổi cơ bản trong hành vi, thói quen người tiêu dùng. Ông Bobby Liu - Giám đốc Topica Founder Institute khẳng định, gần như mọi hoạt động offline đều chuyển dịch sang online, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Đây là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam làm quen và thích nghi với nền kinh tế số, khi mọi sản phẩm, dịch vụ đều có thể tiếp cận online. Các dịch vụ "con" trong nền kinh tế số như thanh toán điện tử, thương mại điện tử, giáo dục online... đều sẽ theo đó mà bứt phá.
Còn theo ông Phi Nguyễn, ba tuần giãn cách xã hội tại Việt Nam vừa đủ cho các doanh nghiệp xem lại mô hình kinh doanh, cách thức vận hành và chiến lược phát triển, "thử lửa" những ý tưởng mới. Nếu muốn thử nghiệm ý tưởng mới, cần trao đổi kỹ với đội ngũ, các cố vấn, nhà đầu tư để kiểm nghiệm nội bộ tính khả thi của ý tưởng.
Hai từ khóa mà doanh nghiệp khởi nghiệp nên ghi nhớ là "thời gian" và "nguồn vốn". Dù chuyển đổi toàn bộ hay một phần mô hình kinh doanh từ offline sang online thì cũng phải triển khai nhanh, đồng thời cân đối nguồn vốn để sống sót. Cần xác định nhanh phương thức nào có thể kiếm tiền hiệu quả, nhanh nhất lúc này và triển khai rốt ráo.
"Không nhất thiết chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, startup có thể giữ mô hình lai giữa offline và online, bổ sung các phương thức tạo doanh thu mới để làm sao kiếm được nhiều tiền nhất có thể và sống sót qua thời dịch", ông Phi nói.
Đại diện siêu ứng dụng Grab đang làm việc với mạng lưới đối tác lớn tại Việt Nam, ông Vũ Lê khẳng định, Covid-19 tạo ra khó khăn chung cho nền kinh tế nhưng vẫn có những doanh nghiệp tận dụng tốt công nghệ và thay đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả. Mấu chốt nằm ở việc doanh nghiệp có chuyển đổi mô hình kinh doanh kịp thời và phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay hay không.
Grab thay đổi chiến lược nhanh chóng, đẩy mạnh chuyển đổi số những ngành hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm an toàn, tiện lợi.
Grab thay đổi chiến lược nhanh chóng, đẩy mạnh chuyển đổi số những ngành hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm an toàn, tiện lợi.
Chiến lược thay đổi mô hình kinh doanh
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung vào nhóm khách hàng có khả năng chi trả. Cần tiết giảm các kênh bán hàng nhắm vào nhóm khách hàng có mong muốn nhưng không sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm.
Ông Bobby Liu cho rằng, với nguồn lực và thời gian hạn chế, việc thay đổi mô hình kinh doanh cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có thể chỉ thay đổi một phần. Startup có thể áp dụng mô hình lai giữa online và offline, dần dần chuyển đổi số toàn diện để gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu chi phí. Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến bộ máy vận hành, cắt giảm những chi phí không mang lại doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ để sẵn sàng đón dòng nhu cầu mới sau dịch.
Tuy nhiên startup không nên quá chăm chăm vào việc "kiếm tiền nhanh" trong dịch, theo các chuyên gia. Trước tiên cần cắt giảm chi phí, tận dụng công nghệ để duy trì doanh thu, tìm kiếm những nhà đầu tư nội địa, thậm chí là tìm kiếm một khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại...
Tại Grab, ông Vũ Lê cho biết nền tảng này đã nỗ lực thay đổi nhanh nhất có thể để thích ứng và tập trung vào việc hỗ trợ đối tác, đồng hành vượt dịch. Chẳng hạn để hỗ trợ đối tác và người dùng mua sắm an toàn trong dịch, Grab đã ra mắt tiện ích đi chợ hộ GrabMart và GrabAssistant.
Việc này cũng nằm trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái siêu ứng dụng của "kỳ lân" này. Đồng thời nền tảng này cũng tiên phong triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc để đảm bảo hạn chế rủi ro lây nhiễm cho các đối tác và khách hàng.
"Chúng tôi cũng cam kết chi 70 tỷ đồng để hỗ trợ đối tác và cộng đồng, những ai đang gặp khó khăn từ Covid-19. Tận dụng công nghệ để hỗ trợ cộng đồng là cam kết của Grab ngay từ đầu khi tham gia thị trường Việt Nam và cũng là hoạt động mà chúng tôi luôn đặt ưu tiên hàng đầu", ông Vũ Lê nói.
"Startup nên thay đổi mô hình kinh doanh thế nào trong giai đoạn khó khăn" là một trong những buổi tọa đàm trực tuyến mà Grab Ventures Ignite đang triển khai nhằm hỗ trợ các startup ứng phó tốt hơn với Covid-19. Trước đó, Grab Ventures Ignite đã công bố gia hạn thời gian đăng ký đến hết tháng 6/2020 và dự kiến chính thức khởi động vào tháng 8/2020. Tổng giá trị giải thưởng của chương trình lên đến hơn một triệu USD đầu tư cùng nhiều dịch vụ hỗ trợ khác từ Grab và các đối tác.