Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, năm 2022 sẽ không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Kinh doanh bất động sản (BĐS), chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Riêng tín dụng BĐS, chứng khoán sẽ siết chặt hơn so với năm 2021. Ngành ngân hàng sẽ có buổi hội nghị chuyên đề về kiểm soát tín dụng vào BĐS, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nói thế không có nghĩa dòng tiền không vào BĐS nữa, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn BĐS phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội thì ngân hàng vẫn cho vay.
Về hoạt động tài trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu tất cả ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng rà soát qua hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm. Kết quả cho thấy không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay đặt cọc đối với 4 công ty trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Với định hướng của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đáng chú ý là các giải pháp liên quan đến các chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022-2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Cùng với đó, các trường hợp được hỗ trợ bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi và các trường hợp vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập sẽ triển khai các biện ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực khó khăn do dịch Covid-19 như du lịch, lưu trú, vận tải.
Đối với lĩnh vực BĐS, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tỷ trọng cho vay lĩnh vực này đang có xu hướng giảm, từ mức 26% của năm 2018 xuống còn 12% vào cuối năm 2020.
Tính cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng BĐS tăng 13,53% so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay mua BĐS để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh BĐS.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/kiem-soat-chat-che-tin-dung-cho-bat-dong-san-trong-nam-2022-63464.html