Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Một trong nội dung quan trọng là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Với quy định mới ngăn ngừa các tổ chức tín dụng (TCTD) che giấu nợ xấu, NHNN đã tiên liệu rủi ro có thể phát sinh trong tương lai.
Nỗi lo gia tăng nợ xấu
Chị thị 01 nêu rõ, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%); ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính thao túng, chi phối trong các TCTD liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản (BĐS), chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN…
Nới lỏng tiền tệ là một trong những chính sách quan trọng để phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nỗi lo nợ xấu. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020.
Dù nợ xấu nội bảng năm 2021 vẫn dưới 2%, tuy nhiên, nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03 và Thông tư 14) và nợ tiềm ẩn có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này của toàn ngành ước đạt 7,31%, thậm chí có thể lên đến 8,2%. Với quy định mới trong Chỉ thị 01, NHNN đã tiên liệu rủi ro có thể phát sinh trong tương lai.
Những cảnh báo cần thiết
Năm 2022, NHNN Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế. Để thực hiện mục tiêu này, NHNN thực hiện các giải pháp để nắn dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng rủi ro. Tuy vậy, trên thực tế, bất chấp sự kiểm soát của cơ quan này, năm 2021, một lượng không nhỏ dòng tiền ào ạt chảy vào chứng khoán, BĐS.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhận định, việc kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn một số bất cập. Trong đó, vẫn còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như BĐS, chứng khoán...
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, dư nợ tín dụng BĐS tính đến tháng 10/2021 là gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 10,46% (thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế), chiếm gần 20% tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng BĐS chuyển dịch tích cực, 65% là phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng, chỉ 35% là cho vay kinh doanh BĐS (gần 700 tỷ đồng). Tuy dư nợ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ theo thống kê, nhưng tài sản bảo đảm bằng BĐS lại chiếm tỷ trọng vượt trội trong tổng tài sản thế chấp mà các ngân hàng đang quản lý hiện nay, có thể lên tới 70 - 80%.
Bình luận về chính sách tiền tệ cho năm nay, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh đến 3 vấn đề lớn cần được quan tâm. Thứ nhất, là nợ xấu của ngân hàng, tiềm ẩn vào khoảng trên 8,7%, cũng có những chuyên gia nước ngoài nghiên cứu nói rằng phải trên 10%. Thứ hai, việc xử lý nợ xấu lại phụ thuộc nhiều vào thị trường BĐS, trong khi đây là thị trường làm tài sản đảm bảo cho 10 triệu tỷ tín dụng. Vấn đề là thị trường này hiện đang rất khó lường, vì đã có khu vực đất nền tăng 2 - 3 lần trong năm qua. "Nợ xấu của ngân hàng trong điều kiện thị trường BĐS đang có những dấu hiệu kể trên sẽ rất đáng lo ngại trong tương lai và vài năm tới”- TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích. Mặc dù NHNN đã rất nỗ lực xóa sở hữu chéo, song việc cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp.
Trong khi đó, TTCK không lên xuống theo quan hệ cung - cầu, mà đang đứng trước vấn đề rất đáng lo ngại, là có hàng triệu nhà đầu tư nhảy vào mà không hiểu biết gì, không có thông tin và đầu tư theo số đông. “Chúng tôi cũng đề nghị với các cơ quan quản lý phải có biện pháp cụ thể hơn nữa để cảnh báo cho thị trường” - TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Nắn vốn vào sản xuất kinh doanh
Tiếp tục nắn dòng tín dụng là một trong những áp lực lớn nhất của NHNN trong năm 2022. Thậm chí, NHNN còn kiên quyết năm 2022, có thể tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng cho một số dự án, DN.
Khoản vay với những DN, dự án BĐS có dấu hiệu bất thường, đầu cơ lũng đoạn thị trường… đang bị NHNN tuýt còi. Từ cuối tuần qua, hoạt động mua bán trái phiếu DN của tổ chức tín dụng cũng bị giám sát chặt chẽ. Yêu cầu hàng loạt ngân hàng báo cáo NHNN về thực trạng cấp tín dụng với các đối tượng tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm, bao gồm cả cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… được coi là cú ra đòn đầu tiên của NHNN đối với tín dụng BĐS đầu cơ, ngay ngày đầu tiên làm việc của năm 2022. Sau khi NHNN tuýt còi tín dụng, một loạt ngân hàng TMCP lên tiếng khẳng định không cấp tín dụng cho các đối tượng trên và đã có tập đoàn BĐS lên tiếng bỏ cọc lô đất vàng Thủ Thiêm.
Quốc hội cũng đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế hơn 340.000 tỷ đồng, một trong những đề xuất quan trọng là tiếp tục củng cố dư địa chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế. Trong đó gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu không cẩn thận, một phần của gói hỗ trợ sẽ lại chảy sang BĐS, chứng khoán. Chính vì vậy, kiểm soát tín dụng, nắn dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh, thay vì các kênh đầu cơ là rất cấp thiết, tránh rơi vào vết xe đổ như gói hỗ trợ lãi suất trước đây. “Nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng bắt tay với DN BĐS mua trái phiếu DN để đảo nợ…, thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát” - TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.
Dù chưa có số liệu đầy đủ nhưng thống kê báo cáo tài chính quý 3/2021 của các ngân hàng thương mại cho thấy, các ngân hàng tư nhân có nợ xấu tăng mạnh phải kể đến: LienVietPostBank tăng 10% so với đầu năm 2021, lên gần 2.700 tỷ đồng (tính đến cuối quý 3/2021); Techcombank tăng 41% so với đầu năm 2021, lên 1.820 tỷ đồng; NamABank tăng tới 148,7% so với đầu năm 2021, lên 1.849 tỷ đồng; ACB tăng 53,4%, lên 2.822 tỷ đồng…
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay đã trích lập đủ dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu, nếu NHNN không gia hạn thông tư về cơ cấu nợ. Bảng xếp hạng về trích lập dự phòng quý 4/2021 của các ngân hàng sẽ còn nhiều thay đổi tùy thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của từng ngân hàng cũng như việc áp dụng quy định của cơ quan quản lý.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, con số nợ xấu hay lãi của các ngân hàng chỉ là những có số nhìn được trên báo cáo tài chính. Năm 2022, NHNN sẽ thắt chặt việc quản lý chất lượng tài sản tại các ngân hàng, do đó nợ xấu ngân hàng có thể được nhìn thấy thực chất hơn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ngan-rui-ro-tin-dung-bat-dong-san-chung-khoan.html