Vấn đề quản lý phí bảo trì chung cư chưa bao giờ nguôi tranh cãi, tồn tại nhiều bất cập.
Số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy trong 44 chung cư nổ ra tranh chấp gần đây được Sở Xây dựng TP.HCM thụ lý, có 34 vụ liên quan đến quỹ bảo trì (chiếm 77%).
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí, quỹ bảo trì (trên 108 dự án có tranh chấp).
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân những bất cập về quỹ bảo trì 2% dẫn tới tranh chấp ở các toà chung cư là việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì, hoặc ban quản trị sử dụng quỹ bảo trì không đúng…
“Chúng ta cần xem xét lại về quy định, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì để từ đó từng bước hoàn chỉnh cơ chế quản lý. Các đề xuất về quản lý, thu hay không thu quỹ bảo trì chung cư cần phải được nghiên cứu”, Thứ trưởng Lê quang Hùng chia sẻ.
Đi sâu vào nguyên nhân, theo quan điểm của HoREA, phương thức thu và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì như hiện nay có nhiều bất cập, đặc biệt là cách thu phí làm tăng gánh nặng cho người mua, khi phải trả thêm 2% ngay khi nhận bàn giao căn hộ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp gay gắt về quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết trong một buổi họp báo diễn ra mới đây của Bộ này, hiện có 3 luồng ý kiến chính về quỹ bảo trì nhà chung cư.
Thứ nhất, giữ nguyên việc thu quỹ bảo trì bằng 2% giá trị căn hộ như hiện nay và đưa thẳng vào hợp đồng mua bán. Thứ hai, bỏ không thu nữa, bao giờ có phát sinh nhu cầu bảo trì, hư hỏng sẽ thu sau. Thứ ba, không thu ngay một lúc mà thu dần sau 5 năm các chung cư đi vào hoạt động, theo thời gian bảo hành 5 năm của chung cư, hoặc thu chia đều trong 5 năm.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, 3 phương án nêu trên đều có cái được và không được. Nếu thu phải quản lý minh bạch quỹ, còn không thu sẽ quay trở lại với quy trình quản lý chung cư cũ hiện nay. Theo thời gian, các tòa chung cư sẽ xuống cấp và trở thành khu ổ chuột, bất cập.
Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trọng Ninh khẳng định: “Bộ Xây dựng thiên về phương án vẫn thu 2% quỹ bảo trì một cách hợp lý, và quản lý sao cho công khai minh bạch. Cần quy định rõ để có sự kiểm soát, từ ban quản trị chung cư tới doanh nghiệp dịch vụ…”.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Ninh: “Quyết định cao nhất thuộc về cơ quan ban hành luật, quy định thu phí bảo trì 2% nằm trong Luật Nhà ở 2014”.
Đồng quan điểm cần thu quỹ bảo trì nhà chung cư, nhưng HoREA kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà, vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà. Thay vào đó, người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì 2% này trong thời hạn 5 năm và chia đều từng tháng.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2019 Bộ Xây dựng sẽ có buổi giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội về vấn đề này. Còn việc bỏ hay không bỏ, bộ sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà là không cần thiết, không hợp lý. Thay vào đó, người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì 2% này trong thời hạn 5 năm và chia đều từng tháng.