Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,2 tỷ USD, tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,6 tỷ USD, tăng 10,1%; xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm qua nhiều điểm sáng
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm qua nhiều điểm sáng

Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 02-QĐ/TW ngày 26/3/2021 của Ban Bí thư về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Việt Nam đã khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp của đất nước mình với bạn bè thế giới. Hàng chục nông sản hàng hóa xuất khẩu thuộc tốp dẫn đầu thế giới sang các nước thậm chí cả các thị trường được coi là khó, và xuất nhiều mặt hàng nông sản như lúa gạo, cà phê, chè, cao su, hạt điều và tôm, cá basa…

Việt Nam xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt trên 48 tỷ USD và đang tự tin cán mốc xuất khẩu trên 50 tỷ USD trong năm 2022, với 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ… Đặc biệt, nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu từ khu vực kinh tế trong nước, với mức xuất siêu có năm tới 6 - 7 tỷ USD.

Trong đó đáng ghi nhật nhất thuộc nhóm hàng thủy sản. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể đạt mức 11 tỷ USD, tức về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Năm qua có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong số này có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.

Xuất khẩu nông sản tăng mạnh trực tiếp góp phần để Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 trên 700 tỷ USD, giúp Việt Nam vững chắc trong xếp hạng cao của các nước trên thế giới cả về xuất và nhập khẩu, với vị trí thứ 23 xuất khẩu hàng hóa và thứ 20 về nhập khẩu.

Tất cả các thị trường xuất khẩu đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5%, khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%.

Góp phần cho những thành công của nền kinh tế nước ta năm qua có thêm một chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chủ trương trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được thị trường đón nhận tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 264.000 tỷ đồng, tăng tới 25,1%; từ đó, góp phần thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đã vượt hơn 16% so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương tăng gần 15% dự toán…

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2023 chúng ta cần nhiều đột phá, trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ điểm nghẽn.

Trong đó, tập trung ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng. Định hướng lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút FDI đầu tư mới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: Thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, với lạm phát tiếp tục gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một chậm lại (năm 2022 chỉ tăng 3,2% GDP, so với 6% GDP năm 2021, và năm 2023 chỉ còn là 2,7%); năm 2023 có 25% khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức 2% và hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm; cả 3 nền kinh tế lớn nhất - Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - sẽ đều tăng chậm lại…

Tuy nhiên, IMF và Ngân hàng Thế giới trong dự báo mới nhất đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7 - 7,5% GDP. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức khởi điểm xếp hạng đầu tư (Ba3) lên mức triển vọng đầu tư ổn định (Ba2) (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Khi đạt mức "đầu tư" có nghĩa nhà đầu tư sẽ tin tưởng đủ khả năng trả nợ.

Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh…

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kim-ngach-xuat-khau-viet-nam-nam-qua-nhieu-diem-sang-317810.html