Trong đó, dự án cấp điện áp 220 kV, mặc dù cột cuối đấu nối ngay bên kia biên giới đã được nước bạn Lào xây dựng xong, chờ sẵn, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu phía Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng chưa thể hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi đất rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây và đường tạm thi công.

Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

Ngày 31/3/2022, Ban QLDA Điện 2 (đơn vị được EVN giao điều hành, quản lý dự án) đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu LILAMA - TOJI - IE - VPCD về việc thực hiện Gói thầu số 4 (HH-EPC): Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) của dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam). Dự án nằm trên địa phận xã La Dê Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đối với tuyến đường dây 220 kV (2 mạch) đấu nối về phía biên giới Lào, hầu hết nằm trong phạm vi rừng tự nhiên, có địa hình phức tạp, độ dốc lớn và một phần nhỏ trong phạm vi rừng sản xuất. Đối với tuyến 220 kV (4 mạch) đấu nối chuyển tiếp vào đường dây mạch kép 220 kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ hiện hữu và tuyến đường dây 22 kV cấp điện tự dùng chủ yếu là đất thuộc rừng sản xuất.

Mặt bằng đoạn tuyến đầu biên giới đoạn 2 mạch Cửa khẩu Nam Giang đến trạm cắt 220 kV Đắk Óoc - Việt Nam). Ảnh: Tạp chí Năng lượng.
Mặt bằng đoạn tuyến đầu biên giới đoạn 2 mạch Cửa khẩu Nam Giang đến trạm cắt 220 kV Đắk Óoc - Việt Nam). Ảnh: Tạp chí Năng lượng.

Hiện tại, các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây và đường tạm thi công chưa hoàn thành, dự án mới chỉ được bàn giao cho tổng thầu xây dựng một số vị trí không bị ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, còn lại toàn bộ 23 vị trí ảnh hưởng bởi rừng tự nhiên đều chưa được bàn giao thi công. Những vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên cho thực hiện hạng mục móng cột và hạng mục đường tạm thi công có nguy cơ gây chậm tiến độ nghiêm trọng cho dự án.

Trong quá trình chuẩn bị thi công, Liên danh nhà thầu xây dựng cho biết: Với việc khảo sát 22 vị trí móng trong rừng tự nhiên đoạn tuyến 2 mạch, có 7 vị trí có đường mòn nhỏ có thể tiếp cận vào vị trí móng và 15 vị trí hiện tại không có đường đi lại (bao gồm VT1, VT2, VT3, VT4, VT5, VT6, VT7, VT09, VT10, VT11, VT12, VT15, VT16, VT23 và VT26). Đường vào các vị trí này xa đường quốc lộ, đường vào có độ dốc lớn, cây cối rậm rạp (chỉ có thể đi bộ xuyên rừng), việc vận chuyển vật liệu, thiết bị bằng thủ công là không khả thi. Do yêu cầu đường dây phải đủ độ cao vượt rừng để không chặt hạ cây rừng, nên cột được thiết kế rất cao, vì vậy các móng cột có khối lượng thi công đất, đá, bê tông móng rất lớn: Từ đào móng, san gạt, tập kết vật tư đổ bê tông, vật tư xây kè, kết cấu thép cột, dây dẫn, máy móc để kéo dây và khoan giếng tiếp địa....

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ

Qua tìm hiểu các dự án liên quan đến đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác, việc thực hiện cần tuân thủ theo đúng Luật Lâm nghiệp 2017 và các nghị định liên quan, thì việc chuyển đổi này phải thực hiện nhiều thủ tục, quy trình, mất rất nhiều thời gian. Đường tạm phục vụ thi công chỉ là hạng mục phụ trợ cho công trình chính, nhưng lại là điều kiện tiên quyết để có thể thi công đáp ứng tiến độ cấp bách của dự án. Phải chăng, đây là điều bất cập đến vô lý cần được khẩn trương tháo gỡ!?
Hình ảnh cột cuối của đoạn tuyến 2 mạch phía bên Cửa khẩu Lào đã hoàn thành để sẵn sàng đấu nối về Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Năng lượng. 
Vì vậy, một trong các biện pháp cấp thiết để tháo gỡ vuớng mắc là UBND tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam cần sớm xem xét thống nhất về chủ trương làm đường tạm phục vụ thi công, đưa ra khỏi Quy hoạch 3 loại rừng - phần diện tích sử dụng làm đường tạm thi công theo quy định thủ tục của Nghị định thi hành Luật Lâm nghiệp. Trên cơ sở này, tiến hành các thủ tục cần thiết khác để chuyển mục đích sử dụng rừng cho hạng mục đường tạm thi công, cũng như cho thực hiện hạng mục móng cột đường dây.

Ngoài ra, EVN nên xem xét thống nhất quan điểm, đường tạm (cho quá trình thi công), sau này sẽ được đơn vị vận hành sử dụng làm đường công vụ quản lý vận hành đường dây. Đồng thời, đây cũng chính là đường công vụ cho các đơn vị quản lý rừng và các lực lượng kiểm lâm sử dụng cho công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng sau này.

Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 1104/TTg-NN ngày 21/11/2022, đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (một dự án đường dây đấu nối tại khu vực huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng có mục tiêu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam). Trong đó, Thủ tướng đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây. Tuy nhiên, trong văn bản đó lại có đoạn nêu rằng: “Việc cho phép sử dụng đất rừng tự nhiên để làm đường tạm và bãi tập kết vật liệu của dự án không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”. Nội dung này đang gây trở ngại, lúng túng mất phương hướng cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư trong thực hiện các thủ tục liên quan.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/day-nhanh-tien-do-nhap-khau-dien-tu-lao-74070.html