Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân lớn hơn so với ngày thường. Vì vậy, các đối tượng buôn bán kinh doanh vận chuyển "thực phẩm bẩn" tranh thủ dịp này để nhập lậu các mặt hàng nội tạng động vật tiêu thụ kiếm lời. Công tác đấu tranh ngăn chặn "thực phẩm bẩn" đang thực sự là một cuộc chiến.
Bắt vụ vận chuyển thực phẩm lậu không rõ nguồn gốc
Mới đây, khi bị lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện, một chiếc xe tải chở nội tạng bẩn đã liên tục tăng ga bỏ chạy với tốc độ cả trăm km/h. Cuối cùng sau chặng đường bám sát gần 10km, chiếc xe này chỉ chịu dừng lại khi đâm trực diện vào xe của Cảnh sát giao thông, khiến phần đuôi chiếc xe bị móp méo, biến dạng.
Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, trên xe chất đầy nầm lợn, ước tính trọng lượng vào khoảng 3 tấn. Số hàng này có nguồn gốc xuất xứ từ bên kia biên giới, không được cơ quan nào kiểm dịch, cho phép nhập khẩu. Dù được cấp đông nhưng số nầm lợn đã hư hỏng vì tảng thịt nào cũng xuất hiện các vết mốc xanh đen.
Đại úy Nguyễn Anh Ngọc, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Các đối tượng này rất manh động, chống đối đến cùng để tránh tội, trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng".
Theo tài liệu trinh sát, toàn bộ số nầm lợn được vận chuyển từ vùng biên của tỉnh Lạng Sơn. Vì là hàng nhập lậu được mang vác qua đồi nên trên mỗi bao tải vẫn còn nguyên bụi đất. Sau khi xuống biên, nầm lợn liên tục được các đối tượng gom hàng, thay đổi địa điểm tập kết rồi chuyển xe, mới tiếp tục tuồn sâu vào nội địa tiêu thụ. Vì vậy, những chiếc xe tải chỉ là một mắt xích trong các đường dây vận chuyển nầm lợn về xuôi.
Thiếu tá Hoàng Văn Hiệu - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Theo tài liệu chúng tôi có được, giá thực phẩm lậu ở vùng biên mua rất rẻ nhưng về Hà Nội bán lãi gấp 4-5 lần. Vì lợi nhuận nên các đối tượng sẵn sàng chống trả".
Trước đó, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển nầm lợn bẩn trên địa bàn. Nhiều lô hàng bị thu giữ đã có dấu hiệu phân hủy, mốc xanh mốc đỏ.