Là một người tiêu dùng thông minh, các bà nội trợ nên ưu tiên những thứ quan trọng hơn cả, loại bỏ bớt những mặt hàng ít cần thiết hơn.
Thông thường, bảng danh sách những thứ cần mua trong dịp Tết sẽ gồm rất nhiều mặt hàng như bán kẹo, đồ trang trí, thực phẩm tươi và khô, đồ gia dụng, quần áo…
Vì thế, trước tiên, người mua cần liệt kê những thứ cần mua theo độ quan trọng và tính cần thiết giảm dần. Cần phải ưu tiên những thứ thiết yếu lên hàng đầu trong danh sách cần mua.
Sau đó, phải dự tính khoản chi tiêu cho từng món đồ và cân đối lại với túi tiền của mình.
Khi đi mua, các mặt hàng có thể cao giá hơn nhiều so với dự chi của mình. Vì vậy, hãy chú trọng mua sắm những mặt hàng ưu tiên và giảm bớt đi những món đồ ít quan trọng hơn.
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi tiêu ngày tết, các bà nội trợ có thể chia những khoản cần chi tiêu trong Tết thành năm loại cụ thể để dễ dàng quản lý, đó là: chi phí mua sắm thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, hoa quả; chi phí trang trí nhà cửa (như mua cây đào, quất…); chi phí mua quần áo mới, đồ đạc mới; tiền lì xì; khoản quà biếu người thân hai bên nội ngoại.
Dưới đây là những việc bạn cần làm để có 1 kế hoạch mua sắm thông minh trong ngày Tết:
Lập danh sách những thứ cần mua
Việc lập trước danh sách cần mua vừa giúp bạn hạn chế thời gian, tiền bạc đồng thời tính toán chính xác các thứ cần mua mà không sợ thiếu sót.
Tết là dịp các quầy hàng trưng bày và bán rất nhiều sản phẩm đa dạng từ màu sắc đến kiểu dáng. Nếu bạn không lập danh sách từ đầu rất dễ bị “lan man” và “không kềm lòng” khi mua hàng.
Đến đúng địa điểm mua hàng
Ngày Tết lượng hàng nhiều, lượng người mua đông. Đâu đâu cũng thấy người đi mua sắm Tết.
Cách tốt nhất để mua nhanh – đúng và đủ là bạn nên đến đúng địa điểm mua hàng đã được lập dánh sách từ trước, chọn đúng vật dụng cần mua, mua theo thứ tự đã ghi trong danh sách. Khi mua được món hàng nào, bạn hãy gạch bỏ ngay món hàng đó.
Một lưu ý quan trọng nữa là bạn cần so sánh giá giữa các cửa hàng để tìm một địa điểm có giá phù hợp nhất, sau đó bạn chỉ việc đến mua và trả tiền.
Không mua quá nhiều
Nhiều bà nội trợ thường có tâm lý mua thật nhiều thực phẩm, các loại đồ ăn trong dịp tết để phòng trường hợp siêu thị hoặc các chợ chưa mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhiều ngày, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây… sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất…
Từ đó, việc thu nạp những loại thực phẩm đó vào cơ thể sẽ như chuốc họa vào thân. Hơn thế nữa, hiện nay các siêu thị đều mở cửa trở lại rất sớm khoảng mồng 2 tết, chứ không lâu như bạn vẫn tưởng.
Lời khuyên dành cho bạn là không nên dự trữ quá nhiều đồ ăn, chỉ nên tính toán khẩu phần ăn dành cho gia đình trong 1-3 ngày là tối đa.
Không mang nhiều tiền
Khi mua sắm bạn không nên mang quá nhiều tiền, thay vào đó chỉ nên mang một khoản tiền vừa đủ với nhu cầu mua sắm của bạn.
Nếu mang quá nhiều tiền, bạn sẽ sẵn tay chi tiền cho những món hàng ngoài kế hoạch, điều này cũng sẽ khiến kế hoạch mua sắm của bạn ko theo dự tính ban đầu.
Đừng quên so sánh giá trước khi trả tiền cho 1 món hàng nào đó
Để mua sắm thông minh vào dịp Tết, bạn cần so sánh nhiều sản phẩm trong cùng một mặt hàng để tìm giá rẻ nhất; sau đó, bạn chỉ việc chọn mua và trả tiền.
Tận dụng đồ cũ
Thay vì tốn một khoản tiền không nhỏ để mua đồ mới, có những đồ vật cũ bạn có thể tái sử dụng để tiết kiệm như: những đồ trang trí cây đào, mai, quất; câu đối...
Huy động trí tưởng tượng, sáng tạo của mọi thành viên trong gia đình, biến những đồ cũ không dùng đến như: hộp bìa cát tông, những ấm trà, chiếc cốc, ly thủy tinh cũ… thành những chiếc lọ cắm hoa, những chiếc hộp đựng đồ mới…. Như thế vừa tiết kiệm lại vừa tạo được sự mới mẻ, độc đáo.
Sắm tết từ sớm
Theo quy luật thị trường, vào dịp Tết khi sức mua tăng lên cũng là lúc giá cả các mặt hàng tăng lên chóng mặt. Để tiết kiệm, bạn nên bắt đầu mua sắm dần từ sớm.
Những sản phẩm có thể mua sớm phòng trừ tăng giá như: bánh kẹo, rượu bia, chè thuốc, măng miến… Tất nhiên, bạn nên chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm để tránh trường hợp đồ để quá đát.