1. “Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế”. Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 với chủ đề  “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới được tổ chức tại Hà Nội tháng 12 năm 2018. Nhấn mạnh khát vọng thịnh vượng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ, phát triển khu vực tư nhân “khỏe” “mạnh”...

“Người Việt chúng tôi thường nói “Có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả”. Nhờ luôn có niềm tin vào con đường cải cách đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới” - Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng cũng bày tỏ, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Có khát vọng, có niềm tin vào tương lai nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược phát triển của mình không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế cũng như từ môi trường quốc tế đầy cạnh tranh và bất ổn.

 

2. Thế giới ngày càng phẳng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi bất kỳ một quốc gia nào muốn phát triển thì không được phép ngừng nghỉ, vì dừng lại, thậm chí là đi chậm đồng nghĩa với tụt hậu. Bối cảnh ấy không cho phép tư duy theo lối mòn, cách làm rập khuôn, bị động, xa rời thời cuộc. Muốn tồn tại cùng với sự thay đổi như vũ bão của thế giới, đổi mới sáng tạo là con đường Việt Nam phải đi.

Nhìn lại lịch sử đất nước có thể thấy, sự phát triển luôn gắn với quá trình đổi mới không ngừng. Từ một nước nghèo, lạc hậu, trải qua quá trình đổi mới liên tục, Việt Nam đã trở thành một quốc gia năng động có mức thu nhập trung bình và là một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu như hiện nay. Thể hiện rõ nét nhất về đổi mới kinh tế là công cuộc Đổi mới năm 1986, Khoán 10,... Tuy nhiên, dù đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình của thế giới, Việt Nam vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách với các nền kinh tế thành công trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ trung bình 7,3% của giai đoạn 1990 - 2000, xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001 - 2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011 - 2016. Nếu tiếp tục xu hướng này Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan vào thời điểm năm 2010. Nhưng vấn đề ở chỗ các quốc gia đứng trên ta không dừng lại để ta đuổi kịp. Khi nước ta đạt mức phát triển của họ thì họ cũng đã bỏ xa ta ở một khoảng cách khác. Do vậy, không còn cách nào khác là phải phát triển nhanh hơn thì mới bắt kịp.

Lúc này, Việt Nam dường như đang ở ngã ba đường, chỉ cần chậm chân một chút, có thể rẽ sang con đường tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với khoảng cách ngày càng xa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhưng nếu nắm được cơ hội, bằng mọi nỗ lực đi thật nhanh, ngã rẽ sẽ là con đường duy trì tốc độ tăng trưởng cao để đi đến thịnh vượng. Muốn vượt qua thách thức, chớp cơ hội rẽ vào con đường thứ hai, không có cách nào khác là nền kinh tế Việt Nam phải tăng cường sức khỏe nội tại để đi với tốc độ thật nhanh. Hiện nay, khi những nguồn lực cũ cho tăng trưởng đã tới hạn, thì đổi mới sáng tạo, nhất là về công nghệ, để nâng cao năng suất lao động là cách nhanh và hiệu quả để thúc đẩy cỗ máy kinh tế vận hành mạnh mẽ hơn, chủ động đón nhận vận hội mới, cơ hội mới và bắt kịp với nhịp phát triển của thế giới.

3. Có lần, GS. Nguyễn Đức Khương (Đại học IPAG Pháp, thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ) đã nói: “Trong 22 tiếng bay từ Paris về Hà Nội tôi đã suy nghĩ và đặt ra câu hỏi thế giới chúng ta sẽ đi về đâu với nền kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ. Kinh tế số hóa, kinh tế chia sẻ sẽ là trọng tâm của các quốc gia trong thời gian tới và chúng ta phải bắt đầu từ đâu”.  Khi kinh tế số hóa đang dần ngấm vào cuộc sống mỗi người, ông nói, hai mươi, ba mươi năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không làm những công việc mà chúng ta đang làm bây giờ. Ở các nước phát triển 90% các giao dịch thanh toán và 80% các giao dịch mua bán đã thanh toán và mua bán online. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và hàng loạt các quốc gia đang coi kinh tế số hóa là chiến lược phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng DN hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu. Đó chính là nguyên nhân khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 quyết liệt chỉ ra 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.

Một là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghiệp 4.0. Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá. Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như bây giờ. “Tôi khẳng định đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển”. Song song với đó là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Có ý tưởng tốt thôi chưa đủ, ý tưởng đó cần phải được “ươm tạo” trong các vườn ươm, tạo môi trường để phát triển và biến các
start-up này thành doanh nghiệp tầm cỡ, đem lại giá trị cao cho nền kinh tế.

Hai là thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.

Xu hướng kinh tế số hóa không thể quay ngược, nhưng kinh tế số giúp tăng nguồn lực cả về nguồn lực con người và nguồn lực tài nguyên, kinh tế số sẽ giảm chi phí sản xuất, tạo sự vượt trội... Và bài toán chiến lược đặt ra với Chính phủ trong giai đoạn then chốt là những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0, tránh những nguy cơ tụt hậu, khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị trên mọi phương diện. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ không để thế giới phải chờ đợi chúng ta. Chúng ta sẽ tăng tốc, bắt kịp để trở thành đối tác hàng đầu cùng lãnh đạo tham gia vào sự phát triển kinh tế số hóa của thế giới”, GS. Khương lạc quan.

Linh An

Theo congluan.vn